Chuyện những người nghèo xin... thoát nghèo
Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng nhiều hộ dân tại xã biên giới Ia R’vê, huyện Ea Súp đã tự nguyện xin thoát nghèo, tự lực vươn lên trong phát triển kinh tế, nhường lại chế độ của Nhà nước cho gia đình khác.
Đi qua đoạn đường đất nhỏ gập ghềnh, chúng tôi vào thăm nhà của ông Nguyễn Văn Khánh (thôn 6) nằm lọt thỏm giữa vườn cây um tùm.
Nhìn căn nhà nhỏ, mọi vật dụng trong nhà đều đơn giản ai cũng nghĩ gia đình ông thuộc diện nghèo như gần 50% hộ dân trong thôn. Mà gia đình ông nghèo thật, nghèo từ 15 năm trước, khi vợ chồng ông cùng 3 đứa con nhỏ rời quê Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre lên lập nghiệp trên vùng đất mới cho đến hôm nay.
Bây giờ, các con đã lớn, ông bà bớt gánh nặng lo toan, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ấy vậy mà trong đợt rà soát hộ nghèo vừa qua của xã, gia đình ông đã tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo. Điều này đồng nghĩa, gia đình ông sẽ không còn được hưởng các chế độ về tiền điện, bảo hiểm y tế…
“Con cái lớn cả rồi, không phải lo chuyện ăn học cho chúng nữa, nên tôi xin rút khỏi hộ nghèo để nhẹ gánh cho Nhà nước. Vợ chồng còn đủ sức khỏe để lao động, chịu khó chăm sóc mảnh vườn, nuôi thêm mấy con dê cũng đủ sống rồi”, ông Khánh chia sẻ về lý do xin thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Khánh (người ngồi giữa) chia sẻ câu chuyện tự nguyện xin thoát nghèo. |
Giống như gia đình ông Khánh, bà Mai Thu Thủy (thôn 10) cũng tự nguyện xin ra khỏi diện nghèo.
Bà kể, trước đây, gia đình bà thuộc diện nghèo, thường xuyên nhận được sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, đáng kể nhất là được thụ hưởng nguồn vốn tín dụng chính sách với số tiền 40 triệu đồng theo Chương trình cho vay hộ nghèo năm 2019.
Từ nguồn vốn này, bà đầu tư phát triển kinh tế bằng cách mở quán nhỏ bán bún và chăn nuôi thêm ít gà, vịt. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình được cải thiện, tuy chưa hẳn đã thoát nghèo, nhưng nguồn thu nhập hằng ngày tằn tiện cũng giúp bà trả tiền lãi và trang trải chi phí sinh hoạt.
Thấy vậy là “đủ”, nên bà đã rất vui vẻ và nhẹ nhõm khi quyết định “chia tay” hộ nghèo, thứ đã đeo đẳng gia đình bà từ nhiều năm nay. Bà Thủy tâm sự về việc làm của mình: “Không phải vì sĩ diện gì đâu, tôi xin ra khỏi diện hộ nghèo bởi còn nhiều gia đình nghèo khó, chật vật hơn. Bớt đi một hộ nghèo là thêm người khác được hưởng chế độ của Nhà nước”.
Anh Vi Xuân Thủy, thôn trưởng thôn 10, xã Ia R’vê cho biết, người dân trong thôn đều bất ngờ khi biết gia đình bà Thủy xin thoát nghèo và coi bà như tấm gương về tinh thần tự trọng, không dựa dẫm, trông chờ vào chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước. Ban tự quản thôn cũng thường xuyên động viên bà con giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo và ổn định cuộc sống. Năm 2018, thôn có tổng cộng 130 hộ thì 90 hộ thuộc diện nghèo, đến năm nay giảm được 22 hộ nghèo, một kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh thời gian qua, người dân bị thiệt hại bởi lũ lụt, dịch bệnh tả heo châu Phi.
Bà Mai Thu Thủy chăm sóc đàn vịt của gia đình. |
Ia R’vê là xã biên giới, thời tiết khắc nghiệt, giao thông cách trở nên cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Cuối năm 2018, toàn xã có hơn 1.200 hộ, trong đó, 51,79% số hộ thuộc diện nghèo; dự kiến năm nay, địa phương giảm được từ 8 - 12% hộ nghèo. Trong đợt rà soát hộ nghèo năm 2019, có 5 hộ dân trên địa bàn xã đã tự nguyện xin thoát nghèo, tuy nhiên, qua tìm hiểu của chính quyền và các đoàn thể địa phương, 2 hộ dân không được chấp nguyện vọng này vì thực tế họ còn… rất nghèo.
Theo ông Nguyễn Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Ia R’vê, địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác giảm nghèo, tuyên truyền hướng dẫn người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả như chăn, nuôi bò, trồng cam, mít… Đáng mừng là nhiều người dân đã không còn tâm lý trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ mà chủ động giúp nhau trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Về lâu dài, điều này sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ cho công tác giảm nghèo bền vững.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc