Những "hạt nhân" đoàn kết của buôn làng ở M'Đrắk
Dù ở cương vị già làng, trưởng buôn hay người cao tuổi, những người uy tín ở huyện M'Đrắk chính là những cánh chim đầu đàn, được bà con nhân dân tin tưởng và nghe theo. Họ là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, là cầu nối giữa Ðảng với nhân dân và là "hạt nhân" gắn kết buôn làng.
Từng là Chủ tịch UBND xã Cư M'ta, nay đã về hưu nhưng ông Y Yăk Byă (buôn Hai, xã Cư Mta) vẫn gắn bó với bà con trên cương vị già làng của buôn. Già làng Y Yăk cho biết, buôn Hai có 117 hộ, tỷ lệ hộ nghèo cao do đất sản xuất ít, đời sống của người dân còn khó khăn, nhưng tình hình trật tự an ninh rất tốt, nhiều năm nay không hề có tình trạng mất cắp, gây mất trật tự công cộng hay đánh nhau… Đồng bào trong buôn theo nhiều tôn giáo khác nhau như Tin lành, Phật giáo, Thiên chúa giáo, nhưng đều sống đoàn kết trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Ông Y Yăk Byă (bìa phải) cùng cán bộ Ban Dân tộc tỉnh, Phòng Dân tộc huyện đến thăm nhà dân. |
Để có được kết quả đó, già làng phải phát huy được vai trò hạt nhân đoàn kết trong buôn làng. Ông luôn thực hiện phương châm "làm cho dân hiểu, nói cho dân nghe, chỉ cho dân làm"; cùng với những người cao tuổi khác tham gia tích cực phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, luôn quan tâm sâu sát đến cuộc sống của người dân, từ đó có cách xử trí ổn thỏa mọi việc xảy ra trong buôn sao cho thấu tình đạt lý.
Đơn cử như việc buôn có ít đất canh tác nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Hiểu được điều đó, ông đã tuyên truyền, thay đổi nhận thức của từng người dân, nhất là với thanh niên rằng: “Nhiều đất mà không biết làm ăn, chỉ lo chơi bời thì vẫn nghèo, nhưng nếu chúng ta thay đổi, đi học nghề, có nghề nghiệp thì cuộc sống sẽ ổn định”.
Nhờ vậy, nhiều thanh niên trong buôn đã theo học các nghề sửa chữa máy công nông, chăn nuôi, may công nghiệp… tại Trung tâm Dạy nghề huyện. Có tay nghề, họ đi làm tại các công ty, tiền lương, tiền công sẽ cao hơn do không mất thời gian đào tạo. Nhờ vậy, cuộc sống ổn định hơn, cha mẹ ở nhà cũng được nương nhờ khi về già.
Nhiệt tình với công việc chung, ông Y Yăk còn chịu khó chăm lo phát triển kinh tế. Gia đình ông có 10 ha rừng trồng cây keo đang khai thác và 4 ha trồng sắn. Với diện tích đó, ông đã tạo điều kiện cho nhiều người dân trong buôn có việc làm thường xuyên với tiền công 180.000 đồng/ngày từ việc làm cỏ, thu hoạch củ sắn, cây keo…
Già làng Y Sum Niê (buôn Nhang, xã Krông Jing) cũng là một trong những người uy tín, có tiếng nói với buôn và là hạt nhân gắn kết mọi người lại với nhau.
Ở tuổi 70, với những đóng góp cho các phong trào, hoạt động của địa phương, già làng Y Yăk, Y Sum nhiều lần vinh dự được các cấp, ngành khen thưởng, nhưng với họ, phần thưởng lớn nhất chính sự tôn trọng và tin yêu của bà con. |
Ông Y Sum tâm sự: “Cho dù mình làm ở vị trí nào, chức vụ ra sao thì gia đình chính là nòng cốt, gia đình có hạnh phúc thì bà con nhìn vào mới học theo”. Chính vì vậy, vợ chồng ông bà tuy đã già nhưng vẫn tình cảm, luôn quan tâm chăm sóc, chia sẻ lẫn nhau. Cho dù người Êđê theo phong tục mẫu hệ, người phụ nữ có vai trò quyết định trong nhà, nhưng với gia đình ông, vợ chồng luôn bình đẳng. Cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng ông vẫn vun vén cố gắng làm ăn để phát triển kinh tế, lo cho 6 người con học hành đến nơi đến chốn.
Già làng Y Sum Niê chăm sóc vợ. |
Giữ gìn được nếp nhà nên ông phát huy tốt vai trò của già làng, của người uy tín trong cộng đồng. Trong những buổi hội họp của bà con, ông khéo léo lồng ghép tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động người dân tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn, không để bị kẻ xấu xúi giục. Đặc biệt, nhờ nắm rõ phong tục tập quán của người dân và pháp luật của nhà nước nên khi có vụ việc xảy ra trong buôn làng, từ việc tranh chấp đất đai đến xích mích vợ chồng... ông thường phân giải thấu tình đạt lý, được mọi người nghe theo. Ông tâm sự rằng những việc làm cho bà con không đơn giản là vì trách nhiệm mà hơn nữa là từ tình yêu thương. Ông xem bà con như những người thân trong cùng một mái nhà, mong bà con luôn tin tưởng, yêu thương và gắn bó với nhau như ông gắn bó với buôn làng.
Ông Y Nơh Byă, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện M'Đrắk chia sẻ: “Với cái tâm và bầu nhiệt huyết, những người uy tín, già làng như ông Y Yăk, Y Sum là cây đại thụ vững chắc tỏa bóng mát che chở cho thôn, buôn. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và là “sợi dây” kết nối giữa chính quyền với Nhân dân, là tấm gương sáng cho thế hệ sau noi theo.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc