Hiệu quả từ việc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện ở M'Đrắk
Việc hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện ở huyện M’Đrắk đã tạo hiệu ứng tích cực trong quá trình vận động người dân tham gia loại hình bảo hiểm này.
Gặp anh Vũ Đức Triều, công an viên thôn 2 (xã Cư Prao), chúng tôi cảm nhận được niềm vui của anh khi vừa được chính quyền địa phương hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện. Hơn 20 năm công tác với vai trò là công an viên thôn, mỗi tháng anh chỉ được hưởng phụ cấp từ vài trăm nghìn đồng và đến thời điểm hiện tại là gần 1,3 triệu đồng nên chưa bao giờ anh nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện.
Đến tháng 10-2019, khi được cán bộ bảo hiểm tư vấn, giải thích và được UBND xã hỗ trợ một phần kinh phí, anh đã tham gia BHXH tự nguyện với số tiền đóng hằng tháng 200.000 đồng; trong đó địa phương hỗ trợ 50.000 đồng/tháng, anh bỏ ra thêm 150.000 đồng. Đặc biệt, sau khi tham gia BHXH, nhận thấy lợi ích về lâu dài, hiện tại anh đang làm thủ tục để đóng thêm cho vợ mình.
Cán bộ BHXH huyện tuyên truyền các chính sách, bảo hiểm đến lực lượng công an viên, thôn đội trưởng xã Cư Prao. |
Tương tự, anh Ngô Văn Đồng cũng là công an viên của xã Cư Prao, với số tiền phụ cấp 900.000 đồng/tháng và một ít đất rẫy khô cằn, trong khi gia đình có 4 người, cuộc sống rất khó khăn nên thời gian qua anh chưa nghĩ đến việc tham gia BHXH tự nguyện. Đến khi xã có quyết định hỗ trợ một phần kinh phí cho lực lượng công an viên và thôn đội trưởng, anh đã mạnh dạn tham gia loại hình bảo hiểm này. Qua tìm hiểu, được biết khi tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hưởng nhiều quyền lợi như: hưởng lương hưu theo quy định; được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT khi nghỉ hưu và hưởng quyền lợi khám, chữa bệnh như những người tham gia BHXH bắt buộc; giảm bớt khó khăn, rủi ro khi về già, giúp ổn định cuộc sống cho mỗi người khi hết tuổi lao động… anh Đồng thêm yên tâm nên đang cố gắng tích cóp để vợ tham gia BHXH nhằm bảo đảm cuộc sống của cả hai vợ chồng khi về già.
Ông Nguyễn Hồng Tuyên, Giám đốc BHXH huyện M’Đrắk
|
Theo ông Nhữ Văn Khỏe, Chủ tịch UBND xã Cư Prao, việc tiết kiệm ngân sách địa phương để hỗ trợ công an viên, thôn đội trưởng tham gia BHXH tự nguyện là cách làm thiết thực, số tiền hỗ trợ tuy không lớn, nhưng là nguồn động viên lực lượng này yên tâm gắn bó với công việc; giúp họ có nguồn thu nhập ổn định về sau từ lương hưu hằng tháng. Hơn thế nữa, qua đó mà nhiều người dân biết đến những lợi ích của loại hình bảo hiểm này, từ đó số lượng người tham gia ngày càng đông. Đầu năm 2019, toàn xã chỉ có 2 người tham gia BHXH tự nguyện nhưng đến cuối năm đã có 22 người dân và 39 công an viên, thôn đội trưởng tham gia.
Được biết, mô hình tiết kiệm ngân sách địa phương để hỗ trợ lực lượng công an viên và thôn, đội trưởng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện M’Đrắk được triển khai từ đầu năm 2019, ban đầu ở xã Ea M’đoal với mức hỗ trợ 98.000 đồng/người/tháng; xã Cư Prao 50.000 đồng/người/tháng; hiện một số địa phương như Ea Riêng, Cư Króa, Ea Trang, Ea Pil… đang chuẩn bị triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Cán bộ BHXH huyện M'Đrắk giải quyết các thủ tục, chế độ cho người dân. |
Ngoài ra, trên địa bàn huyện M’Đrắk có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Thương mại Khánh Dương (xã Krông Jin) chuyên sản xuất tinh bột sắn cũng thực hiện hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người lao động với tổng số tiền hỗ trợ gần 88 triệu đồng mỗi năm. Anh Trương Lê Hưng, cán bộ phụ trách bảo hiểm của công ty cho hay, công ty có 63 lao động, ngoài những lao động có việc làm thường xuyên thì có 32 lao động hằng năm phải nghỉ thời vụ từ 3 – 4 tháng ( khoảng tháng 6 đến tháng 9) do nhà máy ngừng hoạt động vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Để động viên số lao động này yên tâm làm việc, gắn bó và đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp, công ty đã hỗ trợ họ đóng BHXH tự nguyện trong thời gian nghỉ thời vụ với mức 50 -100% tùy theo vị trí việc làm.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc