Multimedia Đọc Báo in

Làm đồ mỹ nghệ gây quỹ hoạt động từ thiện

10:31, 26/12/2019

Anh Lê Nguyễn Nguyên (phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ) cùng một số anh em ở Giáo xứ Vinh Quang đã tự tay làm ra các sản phẩm mỹ nghệ để bán gây quỹ giúp đỡ những trẻ em nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Vốn là một thợ chụp hình, ngoài giờ làm việc, anh Nguyên thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ viện phí cho bệnh nhân nghèo hay mua quà, nhu yếu phẩm tặng trẻ em, người dân ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Tây Nguyên. Với mong muốn có nguồn kinh phí ổn định để giúp đỡ mọi người, năm 2018 nhận thấy tại nơi mình sinh sống có nguồn gỗ dồi dào, anh Nguyên đã nảy ra ý tưởng làm đồ mỹ nghệ để bán lấy tiền làm từ thiện. Ý tưởng đó nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè, từ đó nhóm thiện nguyện Vinh Quang được ra đời với 10 thành viên do anh Nguyên làm trưởng nhóm. Các thành viên chủ yếu làm nông nghiệp nên thường tranh thủ làm gây quỹ vào vào buổi tối, ngày nghỉ hay những lúc nông nhàn.

Anh Nguyên (thứ hai bên phải ) cùng các thành viên trong nhóm đang làm đồ mỹ nghệ.
Anh Nguyên (thứ hai bên phải ) cùng các thành viên trong nhóm đang làm đồ mỹ nghệ.

Từ bộ đồ nghề làm mộc được người quen cho và các mẫu đồ có sẵn, anh Nguyên đã tự mày mò, học hỏi cách cắt, ghép, mài dũa để tạo ra một sản phẩm mỹ nghệ hoàn chỉnh rồi chỉ lại cho các thành viên trong nhóm. Để có nguyên liệu làm, anh Nguyên đã tìm đến các hộ dân tại địa phương có trồng cây muồng đen xung quanh nương rẫy, vườn nhà để xin hoặc tận dụng những khúc gỗ hay rễ cây còn sử dụng được. Những sản phẩm đầu tiên là khoảng 50 bộ bàn ghế, kệ sách đã được nhóm dành tặng cho các em học sinh nghèo, vượt khó tại địa phương. Biết được việc làm của anh, nhiều người đem gỗ đến tận nhà để cho. Không kể xa gần, hễ có ai đồng ý cho cây, anh Nguyên cùng các thành viên trong nhóm đến tận nơi chặt mang về. Khi nguồn nguyên liệu không còn xin được nhiều như trước, cả nhóm chạy vạy kiếm tiền để có vốn mua gỗ.

Mỗi sản phẩm làm xong, anh Nguyên đều đăng hình ảnh lên Facebook để giới thiệu. Anh Nguyên cho biết: “Mặc dù sản phẩm do nhóm làm ra không đạt quy chuẩn về kích thước, mẫu mã  thậm chí giá bán còn “nhỉnh” hơn so với thị trường nhưng khi biết mục đích của bọn mình làm đồ bán để gây quỹ từ thiện, nhiều người đã sẵn sàng mua, giới thiệu cho bạn bè, người thân. Do đó, ngày càng có nhiều người biết đến sản phẩm của nhóm”.

Sau vài đơn hàng bán được, nhóm lại lên kế hoạch thực hiện những chuyến đi thiện nguyện. Ở đâu có trường hợp cần giúp đỡ, nhóm nhanh chóng đến nơi tìm hiểu và tìm cách hỗ trợ kịp thời, phù hợp. Đó có thể là tặng quà, sách vở, thực phẩm cho trẻ em nghèo vào các dịp lễ, Tết; hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, bệnh tim; xây dựng nhà Tình nghĩa cho gia đình khó khăn…

Như trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Cư (phường Bình Tân, thị xã Buôn Hồ) là phụ nữ đơn thân, hai mẹ con phải ở nhờ trong một phòng học cũ bỏ hoang lâu ngày, chị đi giúp việc nhà để nuôi đứa con trai ăn học. Nhờ được nhóm thiện nguyện Vinh Quang hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà, hiện mẹ con chị đã có chỗ ở tươm tất, ổn định.

Riêng trong dịp Tết Trung thu năm nay, nhóm đã bỏ tiền mua nguyên liệu và nhờ thợ bánh làm 2.000 chiếc bánh tặng cho trẻ em nghèo tỉnh Gia Lai, Kon Tum. Còn trong đợt dịch sốt xuất huyết vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh,  nhóm cũng đã tổ chức 2 đợt phun thuốc diệt muỗi trên địa bàn phường Bình Tân, với kinh phí 30 triệu đồng...

Anh Nguyên trao tiền hỗ trợ chữa trị cho một bệnh nhân bị ung thư. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Nguyên trao tiền hỗ trợ chữa trị cho một bệnh nhân bị ung thư. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngoài số tiền lời kiếm được từ việc bán đồ mỹ nghệ, anh Nguyên còn kết nối với cộng đồng người Việt Nam đang định cư và làm việc ở nước ngoài kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ để có thể giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn nữa. Qua đó, anh đã vận động được 3.000 USD hỗ trợ xây dựng khu lưu trú tại xã H Bông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) tạo điều kiện cho hơn 100 học sinh dân tộc thiểu số có nơi ăn, chốn ở để đến trường thuận lợi hơn.

Với những đóng góp tích cực cho cộng đồng, anh Nguyên là một trong những gương người tốt việc tốt trong đồng bào Công giáo giai đoạn 2015-2020 được Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh biểu dương.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.