"Mục đồng" giữa phố
Giữa thành phố đông đúc, hình ảnh những “mục đồng” ngày ngày cầm roi lùa đàn bò đến những khu đất trống đã tạo nên bức tranh làng quê bình yên giữa lòng thành phố.
Y Ngoa Ênuôl ở thôn 6, xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột năm nay 20 tuổi. Vì mang trong người căn bệnh hiểm nghèo nên Y Ngoa chỉ học hết lớp 12 rồi nghỉ vì sức khỏe yếu. Không chịu cảnh thất nghiệp, Y Ngoa bàn với gia đình vay tiền mua bò để em đi chăn. Ban đầu gia đình phản đối nhưng vì thương con nên mẹ đồng ý vay mượn mua cho Y Ngoa 2 con bò để làm vốn liếng. Nhờ chịu khó chăm sóc nên bò lớn nhanh bán được giá, Y Ngoa có tiền mua thêm vài con. Người trong thôn thấy em chăm bò tốt nên thuê em chăn hộ vài ba con.
Tuy tuổi đã cao nhưng Ama Ngó vẫn ngày ngày gắn bó với công việc chăn bò. |
Đã 1 năm gắn bó với công việc chăn bò, Y Ngoa chia sẻ: “Mấy năm gần đây trong thôn rộ lên phong trào bán đất, xây nhà, đường bê tông hóa hết rồi nên chẳng có nơi để chăn bò nữa. Em phải dắt bò đến các khu đất trống như ở đường tránh phía Nam, khu đất trống quanh Bảo tàng Thế giới cà phê… Ở đây cỏ mọc um tùm nên con nào cũng được ăn no. Chỉ mong đàn bò mau lớn, sau lứa này bán được giá em mới có tiền để lấy vợ”.
Ama Ngó
|
Tương tự, ông Ama Ngó (buôn Ako Dhong, TP. Buôn Ma Thuột) năm nay đã ngoài 60 tuổi nhưng trông còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Cứ tờ mờ sáng, Ama Ngó đã dắt đàn bò hơn chục con rong ruổi qua khu đất trống gần Bảo tàng Thế giới cà phê.
Tìm một gốc cây ngồi nghỉ ngơi mặc cho đàn bò cứ thong dong gặm cỏ, ông tâm sự: “Ngày trước một mình tôi chăn dắt cả mấy chục con bò. Nhưng này già rồi, chỉ nhận chăn thuê cho người ta, mỗi tháng kiếm được 2-3 triệu đồng. Nghề chăn bò này cũng vui mà cũng cực lắm. Các con bảo tôi đừng đi chăn bò nữa. Đã có lần nghỉ rồi, nhưng buồn chân buồn tay, cái nghề này gắn bó với tôi từ khi còn nhỏ nên không bỏ được”.
Y Ngoa Enoul - "mục đồng" trẻ giữa phố. |
Ama Ngó không biết gia đình nuôi bò từ khi nào, chỉ biết khi nhỏ đã thấy nhà mình có hơn 10 con bò. Lớn lên, khi ông lập gia đình, cha mẹ cho mấy cặp bò giống làm vốn. Nhà chẳng có đất đai, ruộng rẫy nên ông gắng với cái nghiệp "mục đồng" này cho đến bây giờ. “Mà bây giờ, chăn bò ở phố sướng hơn ở quê vì không phải đi cắt cỏ, hay cho ăn thêm loại thức ăn nào. Vì nhiều khu đất bỏ hoang, cỏ mọc tốt và nhiều chất dinh dưỡng, bò tự ăn chẳng mấy chốc mà béo tốt, đến chiều nghe lệnh là cả đàn theo nhau về chuồng không thiếu một con”, Ama Ngó cho biết thêm.
Khi ánh đèn của những ngôi nhà cao tầng và quán xá đã lấp lánh, Ama Ngó lên giọng "nghé ọ" vài tiếng, bò lại tự quay đầu ngưng gặm cỏ tìm đàn quay về, cũng là lúc những “mục đồng” kết thúc một ngày làm việc.
Thúy An
Ý kiến bạn đọc