Multimedia Đọc Báo in

Chợ quê ngày Tết

07:54, 22/01/2020

Những ngày giáp Tết, chợ Nông trường Cao su Cư Kpô ở xã Cư Kpô (huyện Krông Búk) tấp nập người mua bán, rộn ràng tiếng nói cười.

Chợ thường họp từ khá sớm, chủ yếu phục vụ cho người dân thuộc các thôn ở khu vực Nông trường Cao su Cư Kpô. Từ tờ mờ sáng, khi sương mù vẫn còn ken đặc, bà con đã bày biện đủ các loại hàng hóa dọc con đường dẫn vào chợ.

Hơn bảy năm bán rau ở chợ, bà Phan Thị Phượng (thôn Thống Nhất) luôn được bà con tìm đến bởi mặt hàng tươi ngon, rẻ, lại toàn “của nhà trồng được”. Bà cho hay, mới đầu chỉ bán cho vui, nhưng thấy khách đông, lại có thêm thu nhập nên bà trồng thêm nhiều loại rau, làm măng chua, dưa muối các loại. Vào dịp Tết, ông bà còn gom thêm cau, trầu để phục vụ người mua về thờ cúng. Gom góp tiền lẻ từ những bó rau giá chỉ dăm ba nghìn, nhưng bà Phượng rất vui vì được nhiều người mua ủng hộ. Với người sắp chạm ngưỡng tuổi 70 như bà thì hàng rau mỗi ngày cũng là niềm vui tuổi già. Cũng nhờ nó mà nhiều cái Tết qua, gia đình dành dụm mua thêm những món đồ còn thiếu, còn các cháu có thêm tấm bánh, đôi dép, áo quần mới...

Hàng hoa thường thu hút người dân chọn mua dịp Tết.
Hàng hoa thường thu hút người dân chọn mua dịp Tết.

Phiên chợ Tết hàng bánh kẹo luôn đông đúc khách, vì vậy mà chị Phan Đặng Thị Bích nhập khá nhiều chủng loại bánh kẹo về bán. Có kinh nghiệm 10 năm bán buôn, mặt bằng thuận lợi, lại lớn bậc nhất ở khu chợ nhỏ này, nên gia đình chị bày bán đa dạng chủng loại: hoa quả, nước ngọt, bánh ngọt, đồ khô. Chị cho hay, chợ Tết khách thường đông gấp 3-4 lần so với ngày thường, nên phải huy động thêm người nhà ra phụ giúp.

Tại xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, những ngày giáp Tết, người dân tạm gác công việc ruộng vườn, đồng áng, mang những đồng tiền dành dụm chắt chiu để lo sắm Tết. Để phục vụ nhu cầu bà con, các chợ Bình Thành và Bình Hòa ngập tràn sắc màu của Tết, với rực rỡ quần áo mới, thoảng mùi hương của các loài hoa, mùi thơm bánh kẹo, bánh chưng xanh… Chợ Bình Thành ken đặc người mua kẻ bán ngay từ cổng. Có người ngày ghé chợ dăm ba lần vì cả năm mới có dịp Tết, muốn sắm sửa đủ đầy hơn cho cả nhà. Trong dòng người tấp nập hối hả, bên cạnh các bà nội trợ đảm đang tất bật sắm Tết cho gia đình, còn có nhiều bạn trẻ cũng hớn hở chen chúc, họ đi chợ không chỉ để mua sắm, mà là dịp để dạo xem quê hương có gì thay đổi sau một năm làm ăn xa trở về; hay những đứa trẻ háo hức, chạy tung tăng chỉ trỏ vì cả năm mới được mẹ dẫn ra các sạp hàng, được tự tay lựa chọn chiếc áo quần mà mình thích. 

Hàng rau sạch của bà Phan Thị Phượng.
Hàng rau sạch của bà Phan Thị Phượng.

Cũng như các bà nội trợ khác, bà Phạm Thị Thúy tỉ mỉ lựa chọn từng món đồ cho gia đình. Bà cho hay, bà luôn mong dịp Tết để con cháu tập trung thăm ông bà đủ đầy. Như mọi năm, Tết nay, ông bà mua nhiều nguyên liệu để gói bánh chưng xanh, các loại rau củ quả tươi ngon nhất để cùng con cháu tề tựu chuyện trò, sum vầy trong những ngày đầu Xuân.

Chợ quê nên người bán người mua thường là chỗ quen biết, dù tất bật phiên chợ cuối năm họ vẫn dành cho nhau những lời thăm hỏi về sức khỏe, gia đình, công việc và không quên chúc nhau đón một cái Tết vui tươi. 

Song Quỳnh
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.