Multimedia Đọc Báo in

Làng Mông vui xuân mới

18:58, 27/01/2020

Người Mông ở huyện Krông Bông sinh sống tập trung tại 3 xã Cư Pui, Cư Đrăm và Hòa Phong với khoảng 2.550 hộ. Sau hơn 20 năm định cư trên vùng đất mới, cuộc sống của người Mông nơi đây đã có nhiều đổi thay đáng kể. Để rồi mỗi dịp Tết đến Xuân về, họ lại cùng nhau tưng bừng trẩy hội…

Đổi thay trên quê hương mới

Thấm thoắt đã hơn 20 năm kể từ khi những hộ người dân tộc Mông đầu tiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc đặt chân đến huyện Krông Bông sinh cơ lập nghiệp. Vượt qua bao bộn bề khó khăn trên vùng đất mới, giờ đây, những thôn buôn người Mông đã thực sự “thay da đổi thịt”.

Từ trung tâm xã Cư Đrăm vào thôn Yang Hăn khoảng 15 km. Hai bên triền đồi thoai thoải là rẫy cà phê xen tiêu bạt ngàn đang vào mùa thu hoạch. Xa xa là những ruộng lúa xanh mướt mắt. Trong thôn, những ngôi nhà mái ngói, nhà cao tầng mọc lên san sát. Đường làng ngõ xóm được bê tông, rải nhựa khang trang. 

Trưởng thôn Yang Hăn Hầu Xuân Sàng không dấu được niềm vui: “Khi mới vào Đắk Lắk lập nghiệp, người Mông còn giữ lối canh tác lạc hậu, quanh năm chỉ trồng lúa, tỉa ngô một vụ… nên đời sống rất khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương nên cuộc sống của người Mông chúng tôi mới có được như ngày hôm nay…”. Ông kể: mỗi năm, các hộ dân trong thôn đều được hỗ trợ phân bón, giống cây trồng, vật nuôi. Cán bộ khuyến nông và các hội, đoàn thể địa phương tận tình vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hướng dẫn bà con đào, nạo vét thêm kênh mương dẫn nước, mở rộng diện tích lúa 2 vụ, đưa các giống cà phê, ngô có năng suất chất lượng cao vào sản xuất... Nếu năm 2015 toàn thôn có 90% hộ nghèo, thì nay còn khoảng 20%; thu nhập bình quân đầu người hiện khoảng 17 triệu đồng/năm.

Chọi bò tại lễ hội mừng xuân ở Ea Lang, xã Cư Pui.
Chọi bò tại lễ hội mừng xuân ở Ea Lang, xã Cư Pui.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, trên địa bàn xã hiện có 863 hộ người Mông trú tại 6 thôn: Ea Lang, Ea Rớt, Ra Uôl, Ea Bar, Cư Tê, Cư Rang. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ sinh kế để người dân ổn định cuộc sống. Đặc biệt là tuyến đường nối trung tâm xã vào các thôn đã được trải nhựa; trên 50% các đường nội thôn đều được bê tông hóa nhờ nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình 30a về giảm nghèo nhanh - bền vững, chương trình 135 của Chính phủ… 

Trẩy hội với người Mông

Cuộc sống ngày càng no đủ giúp cho đồng bào Mông có điều kiện để giữ gìn và phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của mình. Những ngày giáp Tết, có dịp về thôn Noh Prông (xã Hòa Phong) mới cảm nhận được không khí náo nhiệt đón Xuân của đồng bào Mông. Trước cổng mỗi nhà đều treo cờ Tổ quốc; chính giữa sân là cây nêu (làm bằng cây tre) được trang trí các loại giấy màu bay phấp phới trong gió. Dưới đường làng, những già, trẻ, gái trai xúng xính trang phục truyền thống sặc sỡ đi mua sắm các vật dụng cần thiết để đón Tết. Đáp ứng nhu cầu của người dân, nhiều hộ kinh doanh ở nơi khác cũng đưa hàng hóa vào tận thôn để buôn bán khiến nơi đây càng thêm nhộn nhịp.

 
“Hẹn nhau vào đầu xuân năm mới, sẽ thức bên nhau uống bát rượu ngô, nghe điệu khèn lá và thả hồn theo váy áo rực rỡ sắc màu của cô gái Mông giữa hội tung còn trên quê mới Tây Nguyên”.
 
Trưởng thôn Yang Hăn Hầu Xuân Sàng

Ông Hoàng Văn Bằng, Trưởng thôn Noh Prông cho biết, người dân tộc ăn Tết rất sớm, bắt đầu từ giữa tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng. Theo quan niệm của người Mông, Tết là dịp để đàn ông thể hiện vai trò trụ cột trong gia đình nên họ phải dậy từ sớm để làm hết mọi việc thường ngày, còn người phụ nữ thì trổ tài nấu rượu ngô, giã bánh dày. Người Mông rất hiếu khách, vì vậy, ngày Tết, cứ khoảng 7 giờ sáng, khi khói rượu ngô tỏa hương thơm nức mũi thì cũng là lúc bà con người Mông đến nhà nhau chúc Tết, cụng ly, thưởng thức tiếng khèn, điệu hát bên bếp lửa ấm cúng…

Hằng năm, cứ đến mồng 6 tháng Giêng, tại sân bóng thôn Ea Lang, xã Cư Pui lại tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc. Đây là dịp để đồng bào các dân tộc trong vùng biểu diễn các trò chơi dân gian, giao lưu gặp gỡ, học hỏi cách làm ăn, thắt chặt tình đoàn kết. Đến với ngày hội, những phụ nữ người Mông chọn cho mình áo váy xòe đầy màu sắc, đính cườm, vòng bạc lộng lẫy. Trong không gian hội vui xuân, từng đôi trai gái có dịp hò hẹn trao duyên; người người cùng chơi các trò truyền thống như ném pao, đánh yến, đánh cù… hoặc hát những bài đồng dao bằng tiếng dân tộc khiến không khí ngày Tết càng thêm tưng bừng náo nhiệt…

Lê Quốc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.