Multimedia Đọc Báo in

Cầu dân sinh: Kết nối những miền quê

07:27, 27/01/2020

Dự án xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt là Dự án LRAMP) đã và đang được triển khai thi công, tạo điều kiện thuận lợi trong việc lưu thông và góp phần kết nối các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa với khu vực trung tâm tại các địa phương trong tỉnh.

Rút ngắn khoảng cách

Cây cầu mới thôn Tân Quý thuộc xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) bắc qua sông Krông Pắc vừa được hoàn thành cuối năm 2019. Trước đây để qua được khúc sông này phải nín thở đi qua cầu tạm hoặc đi vòng đường khác xa tầm 8 cây số, mất hơn nửa tiếng đồng hồ, nhưng nay thong dong chạy xe máy qua cầu mới chỉ mất vài phút.

Chị Trần Thị Dung, thôn Tân Quý đang làm cỏ ớt phấn khởi kể, những năm trước, mùa mưa kéo dài, để đến ruộng phải đi đường vòng, tiền thuê vận chuyển phân bón, nông sản rất tốn kém nên một số năm đành bỏ hoang. Nay cầu xây xong, từ nhà đến ruộng chỉ mất khoảng 10 phút đi bộ, rất an toàn và thuận tiện, nên việc canh tác cũng dễ dàng.

Xuống thăm ruộng của người dân, ông Lê Ngọc Tú, Phó Chủ tịch UBND xã Vụ Bổn bày tỏ niềm vui khi cầu Tân Quý hoàn thành đã góp phần xích gần khoảng cách giữa thôn Vân Sơn và buôn Kruê với trung tâm xã, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất của bà con tại cánh đồng phía bên kia cầu, với gần 70 ha đất canh tác. 

Công trình cầu Ya Trul (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) đã thông xe kỹ thuật.
Công trình cầu Ya Trul (xã Ea Trul, huyện Krông Bông) đã thông xe kỹ thuật.

Tương tự, những ngày cuối năm 2019, người dân xã Ea Trul (huyện Krông Bông) vui mừng vì cầu Ya Trul đã cơ bản hoàn thành, xóa cảnh qua sông bằng đò, dây cáp tồn tại hàng chục năm qua. Trên đường đi thăm ruộng về, ông Dương Phú Phương (thôn 2) bộc bạch, mấy chục năm nay để qua sông sản xuất, canh tác, người dân trong xã và vùng lân cận phải đi thuyền, hàng hóa đi cáp, sản phẩm làm ra chẳng còn lãi vì chi phí vận chuyển quá cao. Cũng tại khúc sông này, vào đầu năm 2017 đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm, cướp đi sinh mạng của 3 người dân lao động. Nay công trình cầu Ya Trul xây dựng, dẫu chưa hoàn thiện các hạng mục, nhưng đã cơ bản đi lại được, góp phần rút ngắn con đường từ nhà đến nơi sản xuất của bà con. Còn chị Trần Thị Bích Ngọc (thôn 2) cho hay, nhà chị có 5 sào đất bên kia sông Krông Ana, ngày trước chưa có cầu chị luôn bị ám ảnh bởi cảnh đi lại bằng thuyền vào mùa mưa lũ. Nay cầu cơ bản hoàn thành, đường từ nhà đến ruộng thêm gần, an toàn, nhờ đó việc canh tác, vận chuyển nông sản cũng thuận tiện hơn nhiều. 

Xóa dần cầu tạm, cầu khỉ

Dự án LRAMP gồm có 3 hợp phần chính, theo hợp phần 2 sẽ có 2.174 cầu, cống dân sinh được xây dựng mới tại 50 tỉnh, trong đó Đắk Lắk được phê duyệt 122 cầu. Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, thống kê tại các địa phương, một số công trình trên địa bàn tỉnh trùng với các dự án đã và đang triển khai, hoặc không phù hợp với tiêu chí nên hiện tại tỉnh ta được đầu tư xây dựng 91 công trình, bao gồm 50 cống và 41 cầu; tổng mức đầu tư là 9 triệu USD, tương đương 210 tỷ đồng, từ nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB), do Bộ GTVT quản lý.

Cầu Tân Quý và cầu Ya Trul có kinh phí đầu tư trên 14 tỷ đồng - đây là hai công trình có tổng mức đầu tư lớn nhất trong số 91 công trình thuộc Dự án  LRAMP tại tỉnh ta. Hai công trình này hoàn thành sẽ có trên 2.400 hộ dân được hưởng lợi.

Các công trình được triển khai xây dựng từ đầu năm 2018, tại các xã có điều kiện giao thông đi lại khó khăn như: Cư Dliê Mnông, Ea Kiết (huyện Cư M’gar),Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), Ya Tờ Mốt, Cư M’lan (huyện Ea Súp), Ea Tir, Ea H’leo (huyện Ea H’leo)… Ông Phan Xuân Bách, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh cho biết, các vị trí xây cầu đều là thôn, buôn ở các xã đặc biệt khó khăn, hàng chục năm nay phải đi cầu tạm, đi đường vòng, vào mùa mưa giao thông bị chia cắt, khiến hoạt động sản xuất của người dân gặp nhiều trở ngại. Do đó, việc triển khai xây dựng các công trình cầu, cống ở đây đã và đang góp phần giảm dần số lượng cầu tạm, cầu khỉ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình đi lại, sản xuất và thông thương hàng hóa cho bà con. Với hơn 90 công trình thuộc dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này đã góp phần giảm gánh nặng cho địa phương trong việc bố trí vốn từ nguồn ngân sách và huy động nguồn vốn khác để đầu tư cơ sở hạ tầng. 

Cầu Tân Quý ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).
Cầu Tân Quý ở xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc).

Dự án LRAMP tại tỉnh ta được chia thành 8 dự án thành phần, hiện đã có khoảng 30 công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Theo hợp đồng, các Dự án xây dựng cầu dân sinh trên địa bàn tỉnh sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, mới đây, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT, hiện nay các đơn vị thi công đang thực hiện các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2020.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.