Ngôi nhà "đỏ lửa" quanh năm
Biết làm bánh chưng, bánh tét… từ năm 14 tuổi, đến nay chị Nguyễn Thị Kim Minh (ở phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) đã gắn bó, phát triển nghề truyền thống của gia đình với thương hiệu bánh bà Sáu.
Chị Minh cho biết, gia đình làm các loại bánh quanh năm. Ngày thường, trung bình làm hơn 500 chiếc bánh chưng, bánh tét để bán lẻ và bỏ mối, giá dao động từ 5.000 - 35.000 đồng/cái tùy vào trọng lượng của từng loại, nhưng vào ngày lễ, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán số lượng tăng gấp 3 - 4 lần. Cũng theo chị Minh, từ khoảng đầu tháng Chạp, khách hàng đặt bánh tăng cao, cao điểm vào 10 ngày cuối năm, ngoài các thành viên trong gia đình, chị phải huy động thêm khoảng 30 nhân công làm việc mới kịp giao hàng.
Điểm bán bánh của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Minh trên đường Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột). |
“Để có những chiếc bánh chưng, bánh tét đạt chuẩn thì mọi công đoạn từ ngâm gạo, thổi đậu đến gói bánh, xếp bánh vào nồi luộc… đều hết sức quan trọng, chỉ bất cẩn trong một khâu, chiếc bánh sẽ không ngon”.
Chị Nguyễn Thị Kim Minh
|
Nhờ chất lượng ngon, nên các loại bánh do nhà chị Minh làm luôn "hút hàng". Chị Minh cho hay: “Mình phải lấy chất lượng bánh làm đầu. Bánh ngon cần nhiều yếu tố nhưng cái chính là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bánh để được lâu mà vẫn thơm ngon”.
Theo đó, tùy từng loại bánh mà có quy trình và những “bí quyết” riêng để tạo nên nét đặc trưng. Nếp làm bánh phải là nếp trắng, hạt to tròn, dẻo thơm, được ngâm từ 10 - 12 giờ rồi vo sạch bằng nước lạnh, để ráo nước, xóc với ít muối trắng thêm chút vị đậm đà. Nhân bánh phải dùng loại đậu xanh hạt tiêu nhỏ, tròn, lòng xanh và vỡ đều. Thịt lợn chọn phần nạc vai, có chút mỡ cho vị thêm béo ngậy. Lá dong cũng phải được lựa chọn cẩn thận, lá phải xanh, bóng và có cuống nhỏ để chiếc bánh có màu sắc xanh tự nhiên. Với kinh nghiệm hơn 32 năm gắn bó với nghề, các loại bánh đều được chị Minh gói thủ công, không cần khuôn nhưng vẫn vuông vắn, đều đặn và đẹp mắt.
Khi trời về chiều cũng là lúc mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những chiếc nồi chuyên dụng đặt lên bếp than, nấu từ 8 - 12 tiếng, luôn phải có người túc trực kiểm tra độ đều của lửa và tránh thiếu nước. Bếp lửa rực sáng suốt đêm và đến gần sáng bánh được vớt ra ép cho ráo nước, đóng gói để vận chuyển đến khách hàng.
Nhờ gắn bó và lưu giữ nghề làm bánh chưng, bánh tét truyền thống, đồng thời mở rộng quy mô và giữ vững chất lượng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình chị Minh. Không chỉ vậy, lò bánh còn giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho một số lao động nông nhàn vào những dịp cao điểm như ngày lễ, ngày rằm, Tết…
Thùy Linh
Ý kiến bạn đọc