Multimedia Đọc Báo in

Cổ tích dưới chân đèo Ea Na (Kỳ 1)

09:43, 01/03/2020

Cách trung tâm TP. Buôn Ma Thuột tầm 17 km, Khoa điều trị phong Ea Na (tiền thân là Bệnh viện phong Ea Na – thường gọi là Trại phong Ea Na) tại xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) từ lâu được biết đến là nơi điều trị của bệnh nhân mang trong mình trực khuẩn Hansen.

Xung quanh đây là nơi cư ngụ của hơn 800 nhân khẩu – số đông họ là con, cháu, người nhà của những bệnh nhân phong ở khắp các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Kỳ 1: Những chuyện tình ở trại phong

Họ - những người mang trong mình căn bệnh phong quái ác do trực khuẩn Hansen gây ra - người ít cũng trên 10 năm, người nhiều cũng hơn 60 năm điều trị, cư ngụ tại Trại phong Ea Na. Vượt qua nỗi đau bệnh tật, họ sống lạc quan, yêu đời, nhiều người trong số họ đã kết duyên thành vợ, thành chồng.

Từ chuyện "vì thương mà đến"

Ông Y Nheo Mta (SN 1969) đến từ tỉnh Ninh Thuận, nay đã ngót 10 năm chữa trị tại Khoa điều trị phong Ea Na. Căn bệnh phong đã ăn dần ăn mòn các ngón chân, ngón tay của ông, cách đây mấy năm ông phải cắt đi một phần ba chân phải. Ông bộc bạch, hơn 20 năm về trước khi biết mình mang căn bệnh cùi – bệnh mà vào thời điểm đó hầu như mọi người đều xa lánh vì sợ bị lây nhiễm, có lúc ông muốn quyên sinh để bớt gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng được người thân động viên, ông vào chữa trị tại Làng phong Quy Hòa (tỉnh Bình Định) một thời gian, đặc biệt từ ngày về Trại phong Ea Na, cuộc sống của ông như được hồi sinh trở lại.

Cũng tại ngôi nhà chung này, ông may mắn gặp bà H’Ju Ksơr (SN 1956, huyện M’Đrắk) – người vợ hiện tại của ông. Cùng cảnh ngộ với ông, bà H’Ju bị cắt một phần ba chân trái, các ngón tay hầu hết bị cụt, trơ cứng, việc sinh hoạt, đi lại rất khó khăn. Bà H’Ju hơn ông Y Nheo đến 13 tuổi nhưng khoảng cách tuổi tác không ngăn cản được tình yêu của họ. Họ đến với nhau bởi sự cảm thông, chia sẻ và cùng chung hoàn cảnh về bệnh tật. Trước khi đến Trại phong Ea Na, bà H’Ju đã có chồng nhưng không có con, sau đó chồng bà vì bệnh nặng qua đời. Cảm giác tự ti về bản thân, lại mang tiếng một đời chồng luôn ám ảnh trong bà. Ban đầu, gia nhập vào ngôi nhà chung này bà chỉ mong để được chữa trị lành bệnh, sống tuổi già với những người cùng cảnh. Rồi khi được ông Y Nheo ngỏ lời kết duyên vợ chồng, bà cứ nghĩ đó là câu đùa cho vui.

Y tá H’El Apuôt kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ở Trại phong Ea Na.
Y tá H’El Apuôt kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân ở Trại phong Ea Na.

Thế nhưng, hằng ngày tiếp xúc, thấy những cử chỉ quan tâm thân mật của ông Y Nheo, tình cảm tuổi già của bà cũng nhen lên từng ngày. Từ đó, hai ông bà sống cuộc sống vợ chồng hạnh phúc trong khu gia cư của Trại phong. Bà H’Ju hóm hỉnh chia sẻ: "Mình già thế này nhưng ông ấy thương mình lắm, mình cũng thương ông. Ông xã được giao chăm sóc vườn rau trong khuôn viên Trại phong nên sáng nào ông cũng dẫn mình đi dạo để giảm bớt tê cứng cơ ở chân. Mỗi tối đến, mình được ông nắn bóp chân tay, quan tâm hết mực. Đặc biệt, mỗi câu chuyện về đêm ông kể đều mang lại tiếng cười cho mình, là động lực để mình vượt qua, quên đi nỗi đau về bệnh tật và những di chứng do bệnh này để lại". Khi phóng viên hỏi ông bà có dự định làm một đám cưới nhỏ không, ông Y Nheo chỉ nhoẻn miệng cười hồn nhiên. Ông tâm sự, tuổi xế chiều hết rồi còn cưới xin gì nữa, về đây 10 năm thì ông bà đã đầu gối tay ấp gần chừng ấy năm. Chỉ mong rằng những ngày tháng tới, bản thân có sức khỏe để ngày ngày cuốc đất, trồng rau và chăm sóc, đem lại tiếng cười cho “người tình không bao giờ cưới” của mình là đủ.

... Đến "chuyện tình bệnh nhân – y tá"

Bị bệnh phong từ năm 18 tuổi, ông Y Choh Ayun (SN 1949, trú tại buôn Tuôr A, xã Dray Sáp, Krông Ana) và bà H’Hma Bdap (SN 1949, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã thành vợ thành chồng như một câu chuyện duyên nợ. Mắc căn bệnh phong khi vừa 19 tuổi, bà H’Hma đến Trại phong Ea Na điều trị, lúc ấy ông Y Choh là y tá tại đây. Hằng ngày thăm khám, chăm sóc hàng trăm bệnh nhân phong, ông bắt đầu chú ý tới người con gái có thân hình nhỏ nhắn, ít nói, hiền lành. Chưa đầy 1 năm làm việc tại đây (từ năm 1969 sang năm 1970) ông ngỏ lời yêu và cưới bà H’Hma.

Ông Y Nheo Mta  dẫn vợ đi dạo vườn rau vào sáng sớm hằng ngày.
Ông Y Nheo Mta dẫn vợ đi dạo vườn rau vào sáng sớm hằng ngày.

Cùng là bệnh nhân phong, nên ở hai ông bà luôn có sự đồng cảm, chia sẻ lẫn nhau, nhờ vậy tình yêu ngày càng đong đầy. Ông Y Choh giãi bày, khi ngỏ lời cưới bà H’Hma ông cũng đắn đo lắm, vì bà là người ở bên tỉnh Đắk Nông nên ông lo lắng sợ khi khỏi bệnh bà sẽ tìm về với gia đình. Từ ngày cưới nhau, hằng ngày vừa chăm sóc bà với vai trò là một y tá, đêm đêm đến với tư cách là một người chồng nên tình duyên của vợ chồng ông càng thêm gắn kết. Lần lượt 7 đứa con của ông bà ra đời mạnh khỏe, có trai có gái. Năm 1997 ông Y Choh nghỉ hưu theo chế độ, hai vợ chồng cùng người con gái thứ 5 xây nhà, sinh sống tại buôn Tuôr A gần với Trại phong. Ở tuổi 70, hằng ngày ông bà vẫn phụ giúp con cháu việc nhà, lấy đó là niềm vui tuổi già. Hiện tại ông bà có 18 đứa cháu cả nội và ngoại, 3 chắt, tất cả các cháu đều được đến trường học hành đầy đủ, đặc biệt có hai cháu đang theo học đại học và cao đẳng – là niềm hãnh diện của đại gia đình và cộng đồng dân cư buôn Tuôr A.

Vợ chồng ông Y Choh Ayun vui vầy bên con cái.
Vợ chồng ông Y Choh Ayun vui vầy bên con cái.

Theo thống kê, tại Khoa điều trị phong Ea Na có 8 cặp đã thành vợ thành chồng, tất cả họ đến với nhau bởi sự chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, cũng có nhiều người như ông Y Choh, bà H’Hma con đàn, cháu đống. Các bệnh nhân phong đều được bố trí quỹ đất để xây dựng nhà cửa, riêng đối với các cặp điều trị nội trú tại Khoa như gia vợ chồng ông Y Nheo và bà H'Ju được bố trí căn nhà riêng tại trong khuôn viên trại với không gian yên tĩnh, thoáng đãng.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Cổ tích làng phong

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.