Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn tuổi trẻ trong xây dựng nông thôn mới

09:42, 01/03/2020

Sau 10 năm (2010-2019) thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”, tuổi trẻ trên địa bàn tỉnh đã phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện và để lại dấu ấn sâu đậm trên các công trình, phần việc thanh niên, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Trong triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương, các cấp bộ Đoàn đã gương mẫu, đi đầu trong việc tuyên truyền, vận động. Để các tầng lớp nhân dân hiểu đầy đủ nội dung, mục đích, ý nghĩa của chương trình cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên, các cấp bộ Đoàn đều có các hoạt động tuyên truyền về tuổi trẻ chung tay xây dựng NTM thông qua nhiều hình thức như: lồng ghép vào các buổi sinh hoạt; cấp phát tờ rơi, sổ tay, bản tin; treo băng rôn, khẩu hiệu; phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thanh, truyền hình xây dựng phóng sự, chuyên đề thanh niên về những mô hình hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường..., qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng trong nhân dân.

Đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Tỉnh Đoàn tham gia thi công công trình “Thắp sáng đường quê”  tại buôn Cuôr Đăng A (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar).
Đoàn viên, thanh niên Đoàn cơ sở Tỉnh Đoàn tham gia thi công công trình “Thắp sáng đường quê” tại buôn Cuôr Đăng A (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar).

Phát huy sức trẻ, các cấp bộ Đoàn đã đảm nhận thực hiện hàng nghìn công trình, phần việc thanh niên để chung tay, góp sức cùng địa phương xây dựng NTM, được cộng đồng công nhận và đánh giá cao như: đường giao thông nông thôn, sân bóng chuyền, nhà Nhân ái, cầu dân sinh, hệ thống nước sạch… Đơn cử như công trình cấp nước sinh hoạt tại buôn Kiều (xã Yang Mao, huyện Krông Bông). Trước đây, cứ đến mùa khô, người dân trong buôn đều phải đi bộ hàng cây số tìm đến các con suối để lấy nước về dùng rất vất vả. Đầu tháng 1-2019, Huyện Đoàn Krông Bông đã vận động đoàn viên, thanh niên đóng góp ngày công cùng với nhóm Palme’s Smile (TP. Buôn Ma Thuột) tiến hành kéo đường ống nước dài 2.000 m để đưa nguồn nước sạch từ thượng nguồn con suối Ea Krông dẫn về buôn. Công trình hoàn thành đã tạo điều kiện cho khoảng 127 hộ dân có nước sạch sử dụng, không còn phải tốn nhiều thời gian, công sức đi lấy nước như trước, qua đó góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cùng với việc tham gia xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng nông thôn, việc bảo vệ môi trường cũng được các cơ sở Đoàn thường xuyên thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực như trồng cây xanh, thu gom và xử lý rác thải, bảo vệ rừng…, góp phần tích cực trong việc thay đổi thói quen, nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống rác thải, gìn giữ môi trường sống xanh, sạch, đẹp. Nổi bật là mô hình thí điểm nhận thu gom rác thải ở nông thôn theo phương thức xã hội hóa của Hợp tác xã Thanh niên Cư Pơng (huyện Krông Búk) đã xóa bỏ được nhiều “điểm đen” về rác thải, thay đổi thói quen thu gom và xử lý rác của người dân địa phương.

Công trình thanh niên “Hệ thống lọc nước sạch” tại Trường Tiểu học Thăng Trị (xã Hòa An, huyện Krông Pắc) do đoàn viên, thanh niên khối trường THPT, TTGDTX trong toàn tỉnh đóng góp xây dựng.
Công trình thanh niên “Hệ thống lọc nước sạch” tại Trường Tiểu học Thăng Trị (xã Hòa An, huyện Krông Pắc) do đoàn viên, thanh niên khối trường THPT, TTGDTX trong toàn tỉnh đóng góp xây dựng.

Xác định hỗ trợ thanh niên lập thân, lập nghiệp, giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Đoàn, cũng là một trong những tiêu chí xây dựng NTM nên các cấp bộ Đoàn đã tận dụng tốt các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Quỹ Quốc gia về việc làm cho thanh niên… để giúp thanh niên phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, các cấp bộ Đoàn đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; hướng dẫn thành lập các câu lạc bộ khuyến nông, hợp tác xã thanh niên… thu hút khoảng 20.500 đoàn viên, thanh niên tham gia. Được hỗ trợ về nguồn vốn, kiến thức, nhiều thanh niên đã xây dựng những mô hình phát triển kinh tế tiêu biểu phù hợp với điều kiện và khả năng của mình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đơn cử như mô hình trồng hoa, cây ăn trái kết hợp nuôi cá của anh Nguyễn Đức Thành (xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) cho thu nhập 200 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi heo của anh Phạm Quốc Thịnh (xã Cư Êwi, huyện Cư Kuin) thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm; mô hình trồng cam, quýt của anh Hoàng Văn Cảnh (xã Cư Elang, huyện Ea Kar) cho thu nhập hơn 500 triệu đồng/năm…

Chị H’Giang Niê, Bí thư Tỉnh Đoàn cho biết: “Qua 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Tuổi trẻ Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”, đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó có nhiều công trình, phần việc thanh niên đã tạo được hiệu ứng và dư luận tốt trong nhân dân.”

Trong 10 năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã huy động gần 57,5 tỷ đồng để xây dựng 7.035 công trình; trồng và chăm sóc hơn 20.000 cây xanh; thu gom và xử lý gần 1.000 tấn rác thải, nạo vét 350 km kênh mương, thủy lợi; xây dựng và bàn giao 125 nhà Nhân ái; tổ chức hơn 250 đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho gần 75.000 lượt người dân vùng khó khăn…

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.