Multimedia Đọc Báo in

Những cán bộ cơ sở "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"

06:30, 08/03/2020

Không chỉ là những người mẹ hiền, vợ đảm, làm tròn thiên chức người “giữ lửa” trong gia đình, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ còn rất năng động, nhiệt tình trong công tác xã hội, xứng đáng với danh hiệu "Giỏi việc nước, đảm việc nhà"...

Nữ doanh nhân đa tài

Sau nhiều năm kinh doanh cà phê, năm 2012, chị Trần Thị Nhỏ (thường gọi là Út Diễm) ở thôn 14, xã Pơng Drang (huyện Krông Búk) thành lập Công ty TNHH Thương mại Diễm Minh chuyên mua bán cà phê, nông sản, trái cây. Năm 2015, chị Út Diễm đã đứng ra vận động, thành lập Câu lạc bộ nữ doanh nhân huyện Krông Búk với 35 thành viên là các hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn do phụ nữ làm chủ.

Với vai trò là chủ nhiệm câu lạc bộ, chị Út Diễm thường xuyên tổ chức giao lưu, gặp mặt, tọa đàm nhân dịp lễ, Tết để chị em cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh. Qua khảo sát, nắm bắt hoàn cảnh của phụ nữ, chị đã vận động thành viên câu lạc bộ đóng góp được 50 triệu đồng giúp 5 chị khó khăn vay không tính lãi để đầu tư phát triển kinh tế…

Chị Út Diễm (bên phải) kiểm tra cà phê đã thu mua của công ty.
Chị Út Diễm (bên phải) kiểm tra cà phê đã thu mua của công ty.

Bên cạnh công việc kinh doanh, chị Út Diễm luôn quan tâm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Qua nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với chị em, chia sẻ ý tưởng làm thiện nguyện, năm 2018, chị đã tập hợp được 25 người sinh sống ở xã Pơng Drang, thị xã Buôn Hồ và TP. Buôn Ma Thuột cùng chung chí hướng thành lập Nhóm thiện nguyện yêu thương huyện Krông Búk. Khi có trường hợp cần giúp đỡ, nhóm tổ chức họp bàn bạc kế hoạch, đăng tải thông tin lên Facebook, Zalo để kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp, ủng hộ tiền, hiện vật. Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tổ chức được 15 đợt tặng quà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các tỉnh Đắk Lắk, Kon Tum, Gia Lai với tổng kinh phí trên 250 triệu đồng.

Bận rộn với công việc kinh doanh nhưng vốn là người năng động, hoạt bát, chị Út Diễm còn đảm nhận công việc của tổ trưởng, chi hội phó rồi đến Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 14 (xã Pơng Drang) hơn 15 năm qua. Để giúp đỡ hội viên khó khăn, chị đã vận động xây dựng quỹ Phụ nữ tiết kiệm được 350 triệu đồng cho chị em vay lãi suất thấp. Giỏi việc nước, chị Út Diễm cũng không quên chăm sóc, vun vén cho gia đình, lo cho 4 con học đại học, cao đẳng và tạo lập cuộc sống riêng.

Chi hội trưởng năng động

Hơn 20 năm gắn bó với công tác hội, chị Nguyễn Thị Hương, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Cao Thắng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) hiểu được khó khăn lớn nhất của hội viên là nguồn vốn để phát triển kinh tế. Vì vậy, song song với công tác vận động chị em tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, dạy nghề, ngày hội việc làm… chị Hương đã vận động thành lập quỹ Phụ nữ tiết kiệm được 365 triệu đồng cho 69 hội viên vay. Bên cạnh đó, chi hội còn phối hợp thành lập 5 tổ Tiết kiệm vay vốn, tín chấp cho chị em vay vốn ưu đãi với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng; huy động hội viên đóng góp quỹ Heo đất tiết kiệm được gần 5 triệu đồng cho hội viên khó khăn mượn xoay vòng không lãi.

Chị Nguyễn Thị Hương (thứ hai từ  trái sang), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ  thôn Cao Thắng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.
Chị Nguyễn Thị Hương (thứ hai từ trái sang), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Cao Thắng chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

Gắn hoạt động hội với phong trào xây dựng nông thôn mới, chị Hương đã cùng chi hội, ban tự quản thôn tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện giải phóng mặt bằng để bê tông hóa 100% các tuyến đường nội thôn. Bên cạnh đó, chị cũng đã tiên phong làm “con đường hoa” dọc con đường trước nhà mình để chị em học tập, nhân rộng; tuyên truyền, vận động chị em nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, phân loại và xử lý rác thải, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.

Ngoài thời gian tham gia công tác xã hội, chị phụ giúp chồng chăm sóc 1,5 ha cà phê xen tiêu, cây ăn quả, chăn nuôi thêm heo, bò và thu mua trái cây nhập cho đại lý để kiếm thêm thu nhập. Bận rộn là vậy nhưng chị đã sắp xếp công việc khoa học, hợp lý để chăm lo cho bố mẹ chồng, bà cố nội và nhắc nhở 2 con học hành. Với vai trò là người phụ nữ trong gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống, bao năm qua, chị Hương đã khéo léo vun vén, dung hòa các mối quan hệ để giữ gìn hạnh phúc gia đình...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.