Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ thôn Xóm Huế xây dựng nhiều mô hình hiệu quả

06:29, 08/03/2020

Bằng nhiều việc làm cụ thể, thiết thực gắn với các phong trào thi đua, thời gian qua, Chi hội phụ nữ thôn Xóm Huế, xã Đắk Liêng (huyện Lắk) đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, ý nghĩa.

Chi hội phụ nữ thôn có 114 hội viên, chủ yếu làm nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn. Nhằm hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, năm 2011, chi hội vận động mỗi chị em đóng góp 500.000 đồng xây dựng mô hình Quỹ tiết kiệm, cho vay với lãi suất thấp. Đến nay nguồn quỹ này đã phát triển được 134 triệu đồng, cho 53 hội viên vay với mức từ 2 - 4 triệu đồng/người. Theo chi hội trưởng Nguyễn Thị Ngoan, số tiền cho vay tuy không lớn nhưng có tác dụng động viên các chị mạnh dạn đầu tư sản xuất quy mô nhỏ ban đầu. Khi thấy hiệu quả, chi hội sẽ giúp họ vay vốn thêm từ ngân hàng thông qua Hội LHPN xã để mở rộng quy mô, từng bước phát triển kinh tế.

Hội viên phụ nữ thôn Xóm Huế đóng góp
Hội viên phụ nữ thôn Xóm Huế đóng góp "nuôi" heo đất vào mỗi buổi sinh hoạt.

Bên cạnh mô hình Quỹ tiết kiệm, chi hội còn xây dựng mô hình tiết kiệm nuôi heo đất từ năm 2014 và duy trì cho đến nay ở tất cả 4 tổ hội. Hằng năm, heo đất được “nuôi” từ đầu tháng 2 và “xuất chuồng” trước dịp Tết Nguyên đán, trung bình mỗi năm thu được 5 - 6 triệu đồng. Số tiền này được chi hội dùng để thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, góp phần giúp họ có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Từ cách làm linh hoạt của chi hội đã có nhiều phụ nữ trong thôn thoát nghèo, vươn lên làm giàu với những mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng, như chị Nguyễn Thị Hường với mô hình nuôi vịt siêu trứng khép kín, chị Dương Thị Bích Liên (nuôi heo), chị Nguyễn Thị Oanh (trồng rau sạch)... Qua đó góp phần giảm số hộ hội viên nghèo mỗi năm, hiện chi hội chỉ còn 30 hội viên thuộc hộ nghèo.

Ngoài ra, hưởng ứng phong trào do các cấp hội LHPN phát động như “5 không, 3 sạch”, “3 an toàn”... Chi hội thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên hưởng ứng bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: Giữ vệ sinh trong gia đình, không xả rác bừa bãi, đổ và tiêu hủy rác đúng nơi quy định, tham gia các buổi quét dọn đường ngõ xóm, nói không với "tín dụng đen"...

Chị Nguyễn Thị Oanh (bên trái) chăm sóc vườn rau sạch.
Chị Nguyễn Thị Oanh (bên trái) chăm sóc vườn rau sạch.

Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, chị em đã đồng thuận ủng hộ 500.000 đồng/người để xây nhà cộng đồng thôn; tình nguyện hiến đất, đóng góp tiền và công sức tham gia làm hơn 900 m đường giao thông nội thôn. Đến nay, hầu hết các tuyến đường chính ở thôn Xóm Huế đều đã được mở rộng, bê tông hóa và thường xuyên được các chị quét dọn sạch sẽ. Gia đình hội viên không xảy ra tình trạng bạo lực gia đình hoặc có người thân vi phạm pháp luật, 95% số hộ được công nhận gia đình văn hóa.

Chị H'Mai H’Mok - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đắk Liêng cho biết, Chi hội phụ nữ thôn Xóm Huế là chi hội vững mạnh toàn diện của xã, đi đầu trong nhiều phong trào thi đua. Hầu hết các mô hình, phong trào phụ nữ đều được các chị em tích cực tham gia hoạt động và duy trì rất hiệu quả. Qua đó đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, đóng góp đáng kể vào thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương.

Đức Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.