Đổi thay ở Ea M'droh
45 năm sau ngày đất nước giải phóng, được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, buôn căn cứ cách mạng Ea M’droh (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) đang "thay da đổi thịt" từng ngày...
Bên ché rượu cần, Trưởng buôn Y Rang Niê Kđăm nhớ lại: Sau giải phóng, người dân trong buôn bắt tay xây dựng cuộc sống mới với bao gian khó. Thời ấy, cả buôn chỉ có hơn 30 nóc nhà tạm tạm bợ, xiêu vẹo, đời sống người dân vô cùng khó khăn. Để hỗ trợ người dân, Tiểu đoàn 303 và chính quyền địa phương đã giúp bà con dựng 66 ngôi nhà dài, cùng họ làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc phát triển kinh tế. Giờ đây, các tuyến đường nội buôn được bê tông, nhựa hóa sạch đẹp; 100% số hộ trong buôn được sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất; sức khỏe nhân dân được chăm lo...
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (thứ tư từ trái sang) thăm hỏi đồng bào buôn căn cứ cách mạng Ea M’droh. |
Buôn Ea M'droh hiện có hơn 250 hộ với trên 1.000 nhân khẩu, trong đó 80% là người dân tộc thiểu số. Nhiều gia đình trong buôn đã phát triển kinh tế bằng các mô hình chăn nuôi heo, gà, trồng bơ, sầu riêng xen trong vườn cà phê cho thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng/năm. Điển hình như anh Y Tâm, trước đây có 1,5 ha cà phê. Do đất đai bạc màu, cà phê già cỗi nên thu hoạch xong trừ hết chi phí đầu tư chăm sóc thì chẳng còn được là bao. Sau khi học hỏi các mô hình xen canh cà phê hiệu quả, anh Y Tâm mạnh dạn chuyển đổi một phần diện tích cây cà phê sang trồng tiêu và bơ. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mô hình xen canh cà phê – tiêu – bơ của Y Tâm đã cho thu hoạch ổn định với tổng thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Nhìn lại những đổi thay của buôn làng, ông Y Rang tâm tình: “So với trước đây thì cuộc sống của bà con đã khởi sắc lên nhiều. Người dân đã đủ ăn, đủ mặc, nhiều nhà đã có của ăn của để. Tất cả trẻ em trong buôn đều được đi học đúng độ tuổi, số con em học hết cấp 3 và học lên cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm rượu cần của người Êđê cũng đang dần được khôi phục”.
Anh Y Knáp, Bí thư Chi đoàn buôn Ea M’droh, một trong những người đang kết nối tiêu thụ rượu cần mang thương hiệu Ea M’droh trăn trở: “Trong khi buôn Ea M’droh có rất nhiều người lưu giữ công thức gia truyền ủ men, làm rượu cần rất ngon. Việc tập trung xây dựng thương hiệu rượu cần Ea M’droh một cách bài bản sẽ tạo công ăn việc làm, giúp bà con trong buôn có thêm thu nhập từ chính nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc”.
Người dân buôn căn cứ cách mạng Ea M’droh (xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) tặng áo thổ cẩm của người Êđê cho Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường. |
Theo ông Trần Viết Lai, Chủ tịch UBND xã Ea M’droh, UBND huyện đã có định hướng xây dựng Ea M'droh thành buôn du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Bên cạnh nét đẹp nhà dài truyền thống, Ea M'droh còn có chiêng, ché, rượu cần, thổ cẩm... Ngoài ra, trên địa bàn xã còn có thác Dray Dlông (chảy qua ranh giới xã Ea M’droh và xã Quảng Hiệp) đã được công nhận danh thắng cấp quốc gia vào năm 2004. Trước mắt, Đảng ủy và chính quyền xã sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động người dân bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần tự lực, tự chủ, chung tay xây dựng nông thôn mới ở buôn làng.
Minh Khang
Ý kiến bạn đọc