Multimedia Đọc Báo in

Khổ vì lò đốt than!

06:32, 15/04/2020

Thời gian gần đây hoạt động của nhiều lò đốt than ở buôn Dhung, xã Ea M'droh (huyện Cư M’gar) đang tác động xấu đến môi trường sống của con người và ảnh hưởng đến cây trồng, vật nuôi.

Cách khu dân cư chưa tới 100 m, các lò đốt than ở buôn Dhung hoạt động liên tục suốt 3 tháng nay. Ngay từ cổng vào khu vực đốt than, các loại nguyên liệu dùng làm chất đốt như: gỗ, củi, thân cây cà phê... được cắt khúc, chất thành đống ngổn ngang. Sát bên đống củi là các loại vật liệu gạch, cát được chuẩn bị để xây thêm lò. Anh Phùng Thế Lý, tự giới thiệu là quản lý lò than cho biết, ở đây hiện có 12 lò đang hoạt động, thời gian đốt kéo dài khoảng 14 đến 15 ngày.  Một mẻ đốt được 5 - 6 tấn than. Khi hỏi về chủ lò đốt than, anh Lý dè dặt: "Ông chủ là người ở trên phố, anh không rõ họ tên, khi nào đốt xong, chủ cho xe về chở đi, anh chỉ là người làm thuê".

Nguyên liệu dùng đốt than tại một lò đốt than ở buôn Dhung, xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar).
Nguyên liệu dùng đốt than tại một lò đốt than ở buôn Dhung, xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar).

Cách khu vực đốt than chưa đầy 200 m là nhà bà Lê Thị Năm. Gia đình bà Năm có 8 người, trong đó có 1 người già, 3 trẻ em và  2 phụ nữ đang mang thai. “Con dâu chỉ ít ngày nữa là sinh nở, bụng to đứng lên ngồi xuống đã mệt, hàng ngày phải hít khói than càng mệt mỏi hơn. Không biết đứa trẻ trong bụng có ảnh hưởng không? Nhất là về đêm, hít phải khí than, tôi bị ho suốt đêm không ngủ được, thương mấy đứa cháu nhỏ nhiều hôm phải thức theo bà” - Bà Năm bức xúc.

Chị Trần Thị Hạnh sống gần khu vực lò đốt than cũng bức xúc không kém. Chị cho hay, mùa khô, nắng nóng đã khó chịu lại phải hít thêm mùi khét của khí than. Đi làm cả ngày đã mệt, đêm về đóng cửa lại ngủ thì mùi khí than ngột ngạt khó thở, mở cửa ra thì hít phải bụi nên ai cũng bị ho và viêm họng. Cậu con trai của chị đi học ở phố không sao, từ Tết đến giờ nghỉ học ở nhà đã bị viêm mũi phải đưa đi bác sĩ điều trị nhiều lần mà không khỏi. “Chúng tôi không ngăn cản việc kinh doanh của ai, nhưng đã kinh doanh nghề đốt than thì phải đảm bảo về môi trường, không gây hưởng đến sức khỏe của người dân. Mong chính quyền các cấp can thiệp giúp bà con chúng tôi có không khí trong lành, đảm bảo sức khỏe để lao động sản xuất” - Chị Hạnh nói.

Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng, vật nuôi quanh khu vực này cũng bị ảnh hưởng không kém. Chị Đỗ Thị Minh, hàng xóm của chị Hạnh cho hay, gia đình chị có 500 trụ tiêu, mọi năm cũng khô hạn, nhưng chỉ cần tưới mỗi tháng 1 lần là đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Từ trước Tết Canh Tý 2020 đến nay, gia đình tưới liên tục nhưng tiêu vẫn bị khô héo. Tiêu đang phải chịu khô hạn vì thiếu nước, giờ lại bị ảnh hưởng khí nóng của lò than nên đã chết mất nửa vườn.

Theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư M’gar Trần Tuấn Ngọc, đây là lò than của ông Vũ Duy Tuấn, ở buôn Dhung, xã Ea M'droh. Lò than này được cấp phép hoạt động sản xuất than trắng vào năm 2015 - 2016 để xuất khẩu sang Nhật Bản và đã có thông báo nghỉ hoạt động từ lâu, nay mới hoạt động lại mà không thấy xã báo cáo gì, cũng không nghe người dân phản ánh.

Khu vực lò đốt than ở buôn Dhung, xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar.
Khu vực lò đốt than ở buôn Dhung, xã Ea M'droh, huyện Cư M'gar.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, trong hai năm 2018 và 2019, UBND huyện Cư M’gar đã xử lý nghiêm bằng hình thức cưỡng chế đối với một số lò đốt than không có Giấy phép hoạt động trên địa bàn các xã Ea Hđing, Cư Dliê M'nông, Ea Kiết. Duy nhất có 1 lò than ở xã Ea M'droh tuy có Giấy phép hoạt động, nhưng lại gây ô nhiễm môi trường và sử dụng nguồn nguyên liệu từ gỗ rừng, UBND huyện đã  tiến hành rút Giấy phép và chấm dứt hoạt động.

Gần đây UBND huyện cũng đã nhận được phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm ở một số lò than nên đã tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời. Riêng đối với lò than mới phát hiện ở buôn Dhung, xã Ea M'droh, UBND huyện sẽ chỉ đạo cho Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt Kiểm lâm, UBND xã tiến hành kiểm tra. Nếu vi phạm việc bảo vệ môi trường và sử dụng nguyên liệu không hợp pháp, UBND huyện sẽ xử lý nghiêm, không có chuyện dung túng hay bao che.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.