Multimedia Đọc Báo in

Vun trồng những mầm xanh

16:40, 22/05/2020

Với trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giúp đỡ thiếu niên, nhi đồng, các cấp bộ Đoàn – Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cuộc sống, rèn luyện kỹ năng, giúp các em phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần.

Chia sẻ khó khăn

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ thuộc xã Hòa An (huyện Krông Pắc), ngôi nhà mới của gia đình em Hồ Thị Thúy Quyên (học sinh Trường Tiểu học Trần Bình Trọng) hiện lên khang trang, sạch đẹp. Gần 1 năm kể từ ngày có nhà mới, niềm vui luôn ngập tràn trong ánh mắt của cô bé giàu nghị lực. Nhà không có đất sản xuất, bố mẹ không có việc làm ổn định lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống gia đình em rất khó khăn. Mặc dù vậy, Quyên vẫn luôn chăm ngoan, học giỏi, có ý thức vươn lên trong cuộc sống. Thấu hiểu hoàn cảnh ấy, Huyện Đoàn Krông Pắc đã hỗ trợ 25 triệu đồng trích từ Quỹ “Nhà nhân ái – Ngôi nhà 1.000 đồng” của Huyện Đoàn, cùng với sự đóng góp thêm của người thân để hỗ trợ gia đình em xây nhà mới.

Học sinh đặt câu hỏi với lãnh đạo các sở, ngành tại Diễn đàn trẻ em năm 2019.
Học sinh đặt câu hỏi với lãnh đạo các sở, ngành tại Diễn đàn trẻ em năm 2019.

Gia đình thuộc diện khó khăn, cuộc sống thiếu thốn nhưng em Lê Quyền Lực (học sinh lớp 8, Trường THCS Hòa Xuân, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn luôn là học sinh giỏi, gương mẫu đi đầu trong các phong trào, hoạt động, được thầy cô và bạn bè yêu quý. Nhà cách trường gần 3 km, ngày nào Lực cũng thức dậy từ 6 giờ sáng để đi bộ đến trường. Những ngày mùa nắng, con đường đến trường của em trở nên vất vả hơn, nhiều hôm mệt quá, em phải ngồi nghỉ ở ven đường, vào nhà dân xin nước uống mới có thể đi bộ về tới nhà. Năm học 2018-2019, Lực được Hội đồng Đội TP. Buôn Ma Thuột tặng 1 chiếc xe đạp, giúp con đường đến trường của em gần hơn, là động lực để em cố gắng trong những năm học tới.

Nhằm động viên, giúp đỡ các em đội viên, thiếu nhi có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn có thêm động lực, tiếp tục vươn lên trong học tập và cuộc sống, các tổ chức Đoàn - Hội địa phương đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa thiết thực. Các hình thức giúp đỡ thiếu nhi thông qua các hoạt động và phong trào “Tiết kiệm” tại các Liên đội đã phát huy hiệu quả. Trong năm học 2018-2019, các đơn vị đã hỗ trợ, giúp đỡ, trao tặng được 53.940 suất quà, 2.306 suất học bổng, 7.139 chiếc áo trắng, 1.022 chiếc xe đạp, 8 nhà Khăn quàng đỏ, nhà Nhân ái; trao tặng chăn ấm, áo ấm và tổ chức khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 15.000 thiếu niên và nhi đồng có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh với tổng trị giá gần 10 tỷ đồng.

Bồi dưỡng kỹ năng sống

Cùng với việc học tập kiến thức văn hóa trên ghế nhà trường, việc học tập kỹ năng sống cũng được các tổ chức Đoàn – Hội quan tâm, chú trọng. Để trang bị cho thanh, thiếu nhi những kiến thức trong giao tiếp, ứng xử, qua đó giúp các em làm chủ bản thân, thích ứng và biết cách ứng phó trước những tình huống khó khăn trong cuộc sống hằng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn, Hội đồng Đội tỉnh, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi thường xuyên tổ chức những mô hình hoạt động trải nghiệm thực tế.

Thiếu nhi tham quan di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột.
Thiếu nhi tham quan di tích lịch sử Nhà đày Buôn Ma Thuột.

Trong mỗi năm học và những ngày hè, nhiều chương trình được Đoàn – Hội các cấp và cơ quan, đơn vị phối hợp tổ chức đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, thu hút đông đảo học sinh và thiếu niên nhi đồng tham gia. Các chương trình như “Học kỳ quân đội”, “Trải nghiệm làm lính cứu hỏa”, “Trại hè lãnh đạo trẻ tương lai”, “Một ngày trải nghiệm”… đã thực sự trở thành sân chơi bổ ích không chỉ được các em yêu thích mà các bậc phụ huynh cũng nhiệt tình ủng hộ.

 
Qua các chương trình, hoạt động thiết thực, ý nghĩa, phong trào của Đội đã trở thành "người bạn" đồng hành, giúp thiếu nhi phấn đấu rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, đội viên gương mẫu”.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Đội tỉnh Trần Quốc Nhật

Những chương trình giáo dục kỹ năng không chỉ giúp các em học kiến thức văn hóa, mà còn nắm bắt được nhiều vấn đề trong cuộc sống, như: kỹ năng giao tiếp, nhận thức đúng sai đối với nhiều vấn đề phát sinh trong xã hội; các kỹ năng sinh tồn như tập bơi lội để phòng, tránh đuối nước, phòng chống tai nạn thương tích; hiểu biết pháp luật về an toàn giao thông để phòng tránh xảy ra tai nạn giao thông; hiểu biết các kiến thức về tệ nạn xâm hại trẻ em, các kỹ năng phòng, tránh cơ bản để bảo vệ bản thân khỏi bị xâm hại, cám dỗ hay có khả năng ứng phó, phòng, chống với nhiều tệ nạn xã hội khác…, từng bước giúp các em hình thành nhân cách một cách vững vàng và toàn diện.

Bên cạnh việc tạo sân chơi bổ ích, các cấp bộ Đoàn - Đội trong toàn tỉnh đã chú trọng triển khai lấy ý kiến nguyện vọng của trẻ em thông qua các diễn đàn với chủ đề “Trẻ em với các vấn đề về trẻ em”, các buổi gặp mặt, đối thoại, triển khai mô hình “Một ngày làm đại biểu Quốc hội”… Công tác nắm bắt nguyện vọng trẻ em cũng được thực hiện bằng các hình thức phù hợp như triển khai kênh thông tin từ tỉnh đến cơ sở, lấy thông tin thông qua số điện thoại trực tiếp của bí thư đoàn xã, giáo viên tổng phụ trách Đội, thông tin đến Tổng đài Quốc gia về trẻ em 111, báo cáo các vụ việc liên quan đến trẻ em trên địa bàn như: vấn đề đuối nước, xâm hại trẻ em, trẻ em bỏ học lao động sớm, trẻ em bị bạo hành thường xuyên khi có sự việc diễn ra để phối hợp cùng các ngành chức năng có hướng xử lý kịp thời...

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.