Bảo vệ trẻ em không bị xâm hại: Cần có "lá chắn" vững chắc hơn
Vấn đề xâm hại trẻ em làm “nóng” nghị trường Quốc hội trong phiên thảo luận việc thực hiện các chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em ngày 27-5.
“Nóng” bởi số vụ, số trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn vừa qua và "nóng" với kiến nghị của đại biểu Quốc hội đề nghị tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em.
Không rùng mình, ám ảnh, không bất bình, bức xúc và mong muốn xử lý nghiêm khắc đối với đối tượng xâm hại trẻ em sao được khi từ ngày 1-1-2015 đến ngày 30-6-2019 cả nước phát hiện, xử lý 8.422 vụ xâm hại trẻ em, với 8.709 trẻ em bị xâm hại. Đây cũng chỉ mới là "phần nổi của tảng băng chìm". Trên thực tế còn có bao nhiêu trẻ em bị xâm hại nhưng không dám nói ra với bất cứ ai, kể cả những người gần gũi nhất như cha mẹ, thầy cô giáo, ông bà... mà chỉ âm thầm chịu đựng nỗi đau một mình?
Sự quan tâm và tôn trọng của các thầy cô giáo giúp học sinh tin yêu, chia sẻ. (Ảnh minh họa) |
Không thể ngờ được rằng, những đối tượng xâm hại trẻ em là người thân, thậm chí là bố, mẹ ruột với những thủ đoạn dã man, lợi dụng sự ngây thơ của trẻ em để phạm tội, có tội phạm lặp đi, lặp lại nhiều lần. Đau lòng và thật đáng lên án khi ông nội, bố đẻ xâm hại cháu gái, con gái mình và dọa giết nếu nói ra sự thật. Bạo hành các em còn là bố đẻ, là nhân tình của bố, mẹ... Chính vì vậy, có đại biểu Quốc hội đã mạnh dạn kiến nghị với Quốc hội cần mở rộng hình thức phạt như: thiến hóa học, nâng mức xử phạt hành chính, lao động công ích, công khai danh tính kẻ xâm hại, ghi tội danh vào hồ sơ lý lịch để răn đe, chống tái phạm, đảm bảo an toàn cho trẻ.
Tại Đắk Lắk, trong giai đoạn 2015 - 2019 xảy ra 279 vụ xâm hại trẻ em (gồm: 222 vụ xâm hại trẻ em gái, 57 vụ xâm hại trẻ em trai), giảm 88 vụ so với giai đoạn 2011- 2014. Riêng năm 2019, toàn tỉnh xảy ra 45 vụ, với 74 đối tượng xâm hại trẻ em. Qua khảo sát của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, trong số 279 vụ xâm hại trẻ thì có 5 em tử vong, 159 trẻ bị thương tật, 13 trẻ có thai, 160 trẻ bị các tác động, hậu quả khác về thể chất và tinh thần.
Một tiết sinh hoạt ngoại khóa của Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory nhằm trang bị kỹ năng cho trẻ. Ảnh: Đức Hoàn |
Trẻ em là đối tượng quan trọng cần được gia đình và cả xã hội bảo vệ. Việc liên tục xảy ra các vụ việc xâm hại trẻ em đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc cần thiết phải có một cơ chế bảo vệ, hình thành "lá chắn" vững chắc hơn để bảo vệ trẻ em, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em. Ngoài đề nghị tăng và bổ sung hình phạt đối với các tội danh xâm hại trẻ em, các đại biểu Quốc hội còn cho rằng cần có nhiều hoạt động, nhiều mô hình, phương thức để lắng nghe tiếng nói của trẻ em; quan trọng hơn là dạy các em những kiến thức nhận biết hành vi xâm hại cũng như kỹ năng bảo vệ bản thân, phản kháng lại trước nguy cơ bị xâm hại, có như vậy xâm hại trẻ em mới không còn là vấn nạn nhức nhối của xã hội.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc