Multimedia Đọc Báo in

Mãi mãi đền ơn đáp nghĩa, tri ân người có công

09:38, 27/07/2020

Ngày Thương binh - Liệt sỹ 27-7 hằng năm là dịp để tri ân, tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng đã hy sinh tính mạng, của cải vì nền độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Đã thành truyền thống, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sỹ, các địa phương, đơn vị, tổ chức đoàn thể xã hội của tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” có ý nghĩa, thiết thực thể hiện lòng tri ân đối với người có công với cách mạng. Đây cũng là dịp tuyên truyền sâu rộng, triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời huy động các nguồn lực trong xã hội góp phần chăm sóc người có công với cách mạng.  

Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (thứ hai từ phải sang) và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Phú Hùng thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công nhân dịp 27-7. Ảnh: T.Hùng
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường (thứ hai từ phải sang) và Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Trần Phú Hùng thăm hỏi, tặng quà gia đình người có công nhân dịp 27-7. Ảnh: T.Hùng

Kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7-1947 - 27-7-2020), ngoài tham mưu cho tỉnh trích ngân sách hơn 6,5 tỷ đồng tặng quà cho hơn 15.627 người có công với cách mạng (mức quà tặng tăng hơn so với các năm trước), các địa phương từ tỉnh đến huyện, xã đã thành lập đoàn đến dâng hương, dâng hoa tại các nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm, đền thờ, nhà bia tưởng niệm liệt sỹ trên địa bàn tỉnh; trực tiếp đến thăm hỏi sức khỏe, tặng quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh cho các đơn vị điều dưỡng, gia đình chính sách có công tiêu biểu; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương tiến hành rà soát, thành lập tổ công tác “đi từng nhà, gặp gỡ từng đối tượng” người có công với cách mạng thuộc hộ nghèo để xác định rõ thực trạng, nguyên nhân nghèo, từ đó trao mô hình sinh kế nhằm giúp đối tượng người có công thoát nghèo.

Trong dịp 27-7 này, Sở LĐ-TB&XH tổ chức đưa 3 Mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu tham dự Hội nghị gặp mặt đại biểu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng toàn quốc năm 2020 do Bộ LĐ–TB&XH tổ chức tại Hà Nội từ ngày 23 đến 25-7. Trước đó, Sở đã tổ chức tiếp đón và điều dưỡng phục hồi sức khỏe tập trung cho 49 người có công tại Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh. Lần đầu tiên tổ chức khó tránh khỏi những thiếu sót, song với nội dung chương trình phong phú, phù hợp với nguyện vọng, sức khỏe của người có công, đặc biệt là tinh thần trách nhiệm cao, cùng tình cảm tri ân sâu sắc, cán bộ, nhân viên Trung tâm, đợt điều dưỡng đã đạt kết quả tốt. Qua đó, Trung tâm tiếp tục nỗ lực, cố gắng để không chỉ quan tâm, chăm sóc tốt hơn đối với người có công trong tỉnh mà còn sẵn sàng tiếp đón người có công từ các tỉnh bạn đến điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

Trong giai đoạn 2016 – 2020, Sở LĐ-TB&XH tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện công tác chính sách người có công, tiếp nhận hơn 14.000 hồ sơ đối tượng chính sách và đã thẩm định, giải quyết chế độ kịp thời, đầy đủ đúng quy định; tổ chức tìm kiếm, quy tập 76 hài cốt liệt sỹ hy sinh trên chiến trường Tây Nguyên, quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam ở Campuchia. 

Toàn tỉnh huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa hơn 35 tỷ đồng; từ nguồn quỹ này đã xây 952 căn nhà Tình nghĩa; nâng cấp, sửa chữa 688 căn nhà của người có công bị hư hỏng xuống cấp, tặng 506 sổ tiết kiệm cho người có công. Bằng nguồn kinh phí Trung ương và địa phương, đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp 34 công trình ghi công liệt sỹ, với tổng kinh phí gần 40 tỷ đồng. Đến nay 184/184 xã, phường, thị trấn được UBND tỉnh công nhận đơn vị làm tốt công tác thương binh liệt sỹ. 100% Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Các chế độ chính sách ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, hỗ trợ nhà ở, dụng cụ chỉnh hình, ưu đãi học sinh sinh viên... của người có công và thân nhân họ được giải quyết kịp thời, chu đáo; tạo động lực để người có công vượt qua nỗi đau thương mất mát, vươn lên trong cuộc sống. 

Đoàn đại biểu UBND tỉnh dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ.  Ảnh: Quỳnh Anh
Đoàn đại biểu UBND tỉnh dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh: Quỳnh Anh

Với tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình sâu nặng, toàn tỉnh tiếp tục chăm lo chu đáo, quan tâm hơn nữa đời sống vật chất, tinh thần cho người có công. Giai đoạn 2020 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu huy động Quỹ Đền ơn đáp nghĩa từ 35 tỷ đồng trở lên; xây dựng mới 400 căn nhà Tình nghĩa, nâng cấp, sửa chữa 250 căn nhà Tình nghĩa cho đối tượng chính sách khó khăn về nhà ở; tổ chức tìm kiếm, quy tập trên 50 hài cốt liệt sỹ hy sinh tại chiến trường Campuchia và trên địa bàn Tây Nguyên về các nghĩa trang liệt sỹ; phấn đấu lấy 100 mẫu hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin để phục vụ cho việc giám định ADN; duy trì 184/184 đơn vị được công nhận xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh - liệt sỹ; phấn đấu 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương...

Để đạt các mục tiêu đề ra, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực người có công đến các tầng lớp nhân dân. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, thiết lập hồ sơ để công nhận người có công và giải quyết các chế độ ưu đãi kịp thời, đúng quy định; trong đó, tập trung giải quyết chế độ đối với những trường hợp có tham gia kháng chiến nhưng không còn giấy tờ gốc. Đồng thời, triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng chính sách; nhất là các giải pháp giúp người có công thuộc diện hộ nghèo thoát nghèo bền vững.

Trần Phú Hùng

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.