Multimedia Đọc Báo in

Chuyến bay đầu tiên từ vùng tâm dịch về Buôn Ma Thuột

08:14, 21/09/2020

Sau gần hai tháng tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chuyến bay VJ711 của Hãng Vietjet Air chở những hành khách đầu tiên từ vùng dịch Đà Nẵng trở về Buôn Ma Thuột đã hạ cánh an toàn vào sáng 19-9-2020.

Từ 0 giờ ngày 28-7-2020, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng tất cả hoạt động vận tải hành khách đi, đến TP. Đà Nẵng trong vòng 15 ngày hoặc đến khi tình hình dịch Covid-19 ở Đà Nẵng được kiểm soát. Đến 0 giờ ngày 7-9-2020, hoạt động vận tải đi, đến TP. Đà Nẵng bắt đầu khôi phục trở lại nhưng phải bảo đảm nguyên tắc về phòng, chống dịch như: thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch, không để lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

Hành khách kê khai y tế điện tử tại khu vực phòng chờ Sân bay Buôn Ma Thuột.
Hành khách kê khai y tế điện tử tại khu vực phòng chờ Sân bay Buôn Ma Thuột.

Thực hiện chỉ đạo này, bắt đầu từ ngày 7-9, hoạt động vận tải khách bằng ô tô đã khởi hành, dù lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng để giữ khách, hầu hết phương tiện đều chạy lấy tuyến. Tuy nhiên, đối với hàng không, lượng khách trên chuyến bay phụ thuộc vào kế hoạch bán vé nên các hãng phải có kế hoạch cụ thể hơn. Do đó, đến ngày 19-9, chuyến bay đầu tiên từ vùng dịch mới chính thức được khôi phục hoạt động trở lại. Theo dự kiến, chuyến bay mang hiệu VJ711 sẽ cất cánh tại Cảng Hhàng không Quốc tế Đà Nẵng vào lúc 7 giờ 45 sáng 19-9, hạ cánh tại Sân bay Buôn Ma Thuột lúc 8 giờ 40 cùng ngày. Ghi nhận tại Sân bay Buôn Ma Thuột vào lúc 8 giờ 30, tất cả hành khách trên chuyến bay này đều thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của cơ quan chức năng, sân bay và phi hành đoàn trên chuyến bay. Chị Trần Thị Cẩm Nhung (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ, đầu tháng 7, ba mẹ con chị ra nhà ngoại ở Đà Nẵng chơi, sau đó dịch bùng phát, hoạt động vận tải bị tạm dừng nên đành phải ở lại. Chị cũng nắm được thông tin từ 7-9, xe khách tuyến Đà Nẵng – Đắk Lắk hoạt động trở lại, nhưng vì con nhỏ, chị cũng bị say xe nên chờ có chuyến bay là chị mua vé. Sáng 19-9, khi đến Sân bay Đà Nẵng, chị được nhân viên tại đây hướng dẫn kê khai y tế trên điện thoại, đồng thời yêu cầu đeo khẩu trang từ khi làm thủ tục và suốt hành trình bay. Chuyến bay khởi hành đúng giờ và hạ cánh sớm hơn thời gian dự kiến khoảng 15 phút. Trong suốt hành trình bay, chị và khách trên máy bay được đội ngũ tiếp viên thường xuyên nhắc nhở việc đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để bảo đảm an toàn cho bản thân khi di chuyển trên phương tiện vận tải và nơi đông người.

Tương tự, chị Lê Thị Tuyết Nhung (ngụ TP. Đà Nẵng) chia sẻ, dịp hè vừa rồi chị đã mua vé máy bay cùng con trai về thăm nhà ngoại ở huyện Krông Bông, song do dịch nên chuyến bay bị hủy. Cách đây mấy ngày, chị được đại lý bán vé báo chuyến bay Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột hoạt động trở lại từ ngày 19-9 nên chị đã mua vé cho hai mẹ con. Thực hiện yêu cầu của sân bay, tiếp viên hàng không, trong suốt chuyến bay chị và con trai luôn chấp hành đeo khẩu trang y tế theo quy định. Do xuất phát từ vùng dịch nên mọi thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe chị đều kê khai cụ thể, chính xác trong bản kê khai y tế.

Những hành khách đầu tiên của hành trình Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột vào sáng 19-9-2020.
Những hành khách đầu tiên của hành trình Đà Nẵng - Buôn Ma Thuột vào sáng 19-9-2020.

Xác định chuyến bay từ vùng dịch về tiềm ẩn nhiều yếu tố lây nhiễm nên Hãng Vietjet Air tuân thủ nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch từ khu vực làm thủ tục và trên tàu bay. Theo đó, tất cả phi hành đoàn đều được phổ biến, quán triệt các quy định của Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải về biện pháp phòng dịch trên phương tiện chở khách. Ông Trần Ngọc Thuyên, Trưởng đại diện Vietjet Air tại Buôn Ma Thuột cho hay, từ ngày 19-9-2020, Vietjet Air khôi phục trở lại đường bay Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột, với tần suất 3 chuyến/tuần, vào các ngày thứ ba, năm và bảy hằng tuần. Hiện nay tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng không vì thế mà chủ quan, đặc biệt là đối với hoạt động vận chuyển hành khách bằng máy bay chở người dân ở vùng có dịch. Do đó, hãng thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm hoạt động kinh doanh, vừa chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Tất cả hành khách khi lên tàu bay đều phải kê khai y tế (điện tử hoặc bằng giấy in sẵn) và phải thực hiện đeo khẩu trang theo quy định; phi hành đoàn trên mỗi chuyến bay có nhiệm vụ nhắc nhở, yêu cầu nếu hành khách không tuân thủ.

Đối với Sân bay Buôn Ma Thuột, ngành y tế đã bố trí một máy đo thân nhiệt tự động đặt ở vị trí khách vào làm thủ tục bay. Theo đó, tất cả hành khách, người dân khi vào khu vực này đều được máy đọc nhiệt độ cơ thể. Đối với những khách có thân nhiệt từ 37,50C trở lên thì nhân viên y tế sẽ tiến hành các bước kiểm tra sức khỏe tiếp theo, đủ điều kiện thì mới báo để hãng đồng ý bay.

Việc khôi phục lại hoạt động vận tải nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi, đến Đà Nẵng của người dân phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, sớm khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải và vẫn đảm bảo hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Tin tưởng rằng, việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của các hãng hàng không, sân bay và hành khách trên mỗi chuyến bay sẽ góp phần hạn chế thấp nhất sự lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Hiện nay, hành trình bay Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột có hai hãng hàng không khai thác gồm Vietjet Air và Vietnam Airlines. Đối với Hãng Vietnam Airlines dự kiến sẽ khởi hành chuyến bay đầu tiên vào ngày 3-10-2020 sau thời gian tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.