Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea Kar: Nỗ lực hoàn thành chương trình hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo

09:38, 10/09/2020

Năm 2020 là thời điểm “nước rút” triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016 – 2020 (sau đây gọi là Quyết định 33), huyện Ea Kar đang triển khai quyết liệt các giải pháp để sớm hoàn thành chương trình này.

Thực hiện Quyết định số 159/QĐ-UBND, ngày 23-1-2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt danh sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10-8-2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167 giai đoạn 2), theo kế hoạch, năm 2019 huyện Ea Kar xây dựng 180 nhà ở cho hộ nghèo.  Tuy nhiên, do nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội cấp trên phân bổ cho huyện không đáp ứng nhu cầu vay làm nhà ở nên chỉ làm được 120 căn, còn lại 60 căn chưa làm. Năm 2020, huyện Ea Kar được UBND tỉnh phê duyệt triển khai xây dựng 182 nhà ở cho hộ nghèo. Do đó, muốn hoàn thành Chương trình 167 giai đoạn 2, huyện phải xây dựng xong 242 căn nhà.

Cán bộ xã Ea Đar (huyện Ea Kar) thăm hỏi đời sống của gia đình ông Y Djhông Mlô  ở buôn Tơng Sinh sau khi ông được hỗ trợ xây dựng nhà 167.
Cán bộ xã Ea Đar (huyện Ea Kar) thăm hỏi đời sống của gia đình ông Y Djhông Mlô ở buôn Tơng Sinh sau khi ông được hỗ trợ xây dựng nhà 167.

Ông Trần Duy Trường, Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quyết định 33 huyện Ea Kar cho biết: Qua rà soát, huyện đã xác định được 107 hộ (trong số 242 hộ) vì nhiều lý do như: bỏ đi khỏi địa phương, đã xây dựng nhà bằng nguồn vốn khác, kiêng cữ không làm nhà... nên đã trình UBND tỉnh xem xét, đưa ra khỏi danh sách, còn lại 135 hộ cần triển khai xây dựng nhà ở theo Chương trình 167 giai đoạn 2 (nhà 167). Tuy nhiên, nhiều hộ có điều kiện kinh tế rất khó khăn, không có vốn đối ứng, không có đất, tâm lý sợ “nợ” hoặc chủ hộ đã cao tuổi, bị bệnh hiểm nghèo... không muốn làm nhà. Thực tế trên đã đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho huyện.

Để có thể hoàn thành nhà 167, huyện Ea Kar đã kiện toàn Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách từ 2 – 4 xã, thị trấn, phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức họp dân, tuyên truyền về chủ trương, chính sách, nguồn vốn vay hỗ trợ làm nhà ở; rà soát, nắm bắt và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng chủ động triển khai vận động Quỹ Vì người nghèo nhằm bảo đảm nguồn kinh phí hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.

 
“Đến nay, huyện Ea Kar đã triển khai xây dựng được 110/135 căn nhà 167 giai đoạn 2, đạt 81,48% kế hoạch. Huyện đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành chương trình vào cuối quý III năm 2020”.
 
Phó Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar Trần Duy Trường

Chẳng hạn như gia đình ông Y Djhông Mlô, hộ nghèo ở buôn Tơng Sinh (xã Ea Đar). Bản thân ông bị bệnh hiểm nghèo, gia đình đã vay 21 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo vườn cà phê và làm công trình vệ sinh nên khi được hỗ trợ làm nhà 167, vợ chồng ông không muốn nhận vì lo không đủ khả năng trả nợ. Sau nhiều lần được chính quyền địa phương vận động, thuyết phục, cuối năm 2019, ông quyết định dỡ bỏ căn nhà gỗ cũ để làm nhà mới. Ông Y Djhông chia sẻ: “Ngoài số tiền 9,5 triệu đồng được hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, huyện, Quỹ Vì người nghèo huyện, gia đình còn được vay 25 triệu đồng vốn ưu đãi trong vòng 15 năm, anh em dòng họ hỗ trợ thêm ngày công nên đã xây dựng được căn nhà rộng 36 m2, không còn lo lắng mỗi khi mưa to gió lớn”.

Hay như gia đình bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Cư Nghĩa (xã Cư Huê) thuộc diện được hỗ trợ làm nhà 167 năm 2020. Do bà tuổi cao, sức yếu không có điều kiện trả nợ nên con trai đầu là anh Nguyễn Văn Cường đã đứng ra chịu trách nhiệm vay vốn ưu đãi, trả nợ và hỗ trợ thêm kinh phí để xây dựng cho mẹ căn nhà 167 rộng gần 100 m2.

Anh Nguyễn Văn Cường - con trai bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Cư Nghĩa (xã Cư Huê) giúp đỡ mẹ hoàn thiện căn nhà 167.
Anh Nguyễn Văn Cường - con trai bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Cư Nghĩa (xã Cư Huê) giúp đỡ mẹ hoàn thiện căn nhà 167.

Bên cạnh sự vào cuộc của các cấp, ngành hữu quan, mỗi địa phương, gia đình trên địa bàn huyện Ea Kar đã phát huy tinh thần trách nhiệm, sự linh động trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 167 giai đoạn 2. Nhiều xã, thị trấn đã tranh thủ nguồn kinh phí của các hội, đoàn thể để hỗ trợ hộ nghèo làm nhà Đại đoàn kết, Chữ thập đỏ, Mái ấm tình thương... nhằm giảm áp lực cho chương trình. Ở những địa bàn đặc thù như dân tộc thiểu số, tôn giáo... chính quyền địa phương đã tranh thủ tiếng nói của người có uy tín, cha xứ... để tuyên truyền, vận động nhằm đưa chương trình về đích đúng thời gian quy định.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.