Sát cánh cùng người lao động vượt qua đại dịch
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã tích cực chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, động viên đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Nguyễn Công Bảo, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức linh hoạt. Đồng thời, chỉ đạo các công đoàn cơ sở trang bị khẩu trang, nước rửa tay, đo thân nhiệt, khử trùng nơi làm việc và đảm bảo tốt chế độ, chính sách cho đoàn viên, người lao động. Đặc biệt, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các cấp công đoàn; Quyết định số 643/QĐ-TLĐ ngày 22-5-2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc “Chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19” và Công văn số 507/TLĐ ngày 29-5-2020 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc “Triển khai một số giải pháp tập trung nguồn lực để hỗ trợ đoàn viên, người lao động”, đồng thời quyết định cấp 300 triệu đồng cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để hỗ trợ cho người lao động.
Lao động làm việc tại Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam. |
Các cấp công đoàn đã rà soát, thống kê số đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 thuộc đối tượng hỗ trợ theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn và LĐLĐ tỉnh, từ đó kịp thời thực hiện hỗ trợ cho những trường hợp đặc biệt khó khăn. Tính đến ngày 30-8, các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã chi hỗ trợ cho 868 đoàn viên, người lao động với tổng số tiền 434 triệu đồng; các công đoàn cơ sở tổ chức thăm hỏi, trao tặng 2.670 suất quà với tổng trị giá 130 triệu đồng. Ngoài ra, còn vận động người sử dụng lao động hỗ trợ người lao động tại doanh nghiệp, đến nay đã có 1.076 lao động được hỗ trợ với tổng số tiền gần 512 triệu đồng.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đợt 2, cán bộ công đoàn chuyên trách toàn tỉnh đã đóng góp 3 ngày lương được gần 56 triệu đồng bổ sung vào nguồn kinh phí hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động. |
Đơn cử như Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam (TP. Buôn Ma Thuột), dù chịu thiệt hại đáng kể do lượng khách giảm khoảng 75% nhưng công ty vẫn có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động, nhất là các lao động người dân tộc thiểu số. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Giám đốc công ty chia sẻ, ngoài việc vẫn đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ cho hơn 60 lao động thì tùy theo vị trí, công việc của từng nhân viên mà công ty sẽ có chế độ hỗ trợ riêng, với các nhân viên thời vụ phải nghỉ việc thì công ty hỗ trợ gạo và 1 triệu đồng/người/tháng; với các lao động khác thì giảm thời gian làm việc và luân phiên hằng ngày với mức lương được trả bằng 50% so với trước đây. Đầu tháng 9 này, công ty còn hỗ trợ từ 1 - 1,5 triệu đồng/người cho tất cả các lao động để họ trang trải chi phí, chuẩn bị sách vở, áo quần cho con em vào năm học mới…
Lao động làm việc tại Công ty Cổ phần du lịch cộng đồng Ko Tam được tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi. |
Chị H’Ger Êban, lao động làm việc tại công ty bày tỏ, trong đợt dịch bệnh vừa qua, dù lượng khách không ổn định nhưng công ty vẫn tạo điều kiện hỗ trợ cho chị cũng như các nhân viên khác. Theo đó, mỗi tuần chị làm việc 3 ngày với mức lương được nhận gần 3 triệu đồng/tháng. Cùng thời gian này, con chị bị ốm phải nhập viện cũng được công ty hỗ trợ chi phí điều trị hơn 3 triệu đồng. Mới đây, chị tiếp tục được nhận thêm 1,5 triệu đồng của công ty hỗ trợ để chuẩn bị cho con vào năm học mới.
Còn rất nhiều đoàn viên, người lao động khác trong tỉnh đã được các cấp công đoàn, đơn vị kịp thời hỗ trợ vượt qua khó khăn. Những hoạt động trên thể hiện vai trò của tổ chức công đoàn luôn sát cánh, sẻ chia khó khăn với đoàn viên, người lao động để cùng vượt qua đại dịch; kịp thời động viên, giúp họ có thêm niềm tin tiếp tục vươn lên trong cuộc sống.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc