Chủ động ứng phó với ảnh hưởng bão số 9
Khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền thì trên địa bàn Đắk Lắk, nhiều nơi đã có mưa vừa đến mưa to, gió giật mạnh, gây thiệt hại không nhỏ đến cây cối, hoa màu, nhà ở của người dân.
Nhiều địa phương bị ảnh hưởng bão số 9
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh, do chịu ảnh hưởng trực tiếp hoàn lưu cơn bão số 9, trên địa bàn Đắk Lắk có mưa trên diện rộng. Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 27-10 đến 16 giờ ngày 28-10 phổ biến từ 20 - 40 mm, đặc biệt tại trạm Ea Sol (huyện Ea H’leo) 98,2 mm; trạm Ea Sin (huyện Krông Búk) 83,4 mm; trạm Cư Klông (huyện Krông Năng) 68,4 mm; trạm Ia Lốp (huyện Ea Súp) 63,2 mm; trạm Ea Pil (huyện M’Drắk) 60,4 mm.
Thống kê sơ bộ tại các huyện, đã có 1 người chết (huyện M’Drắk); 6 nhà dân bị tốc mái (huyện M’Drắk 2 nhà, huyện Ea Kar 4 nhà); có hơn 1.000 ha cây trồng các loại bị ảnh hưởng (chủ yếu là cây ngô, sắn, mía ở địa bàn huyện M’Drắk). Ngoài ra còn có 4 điểm trường bị ảnh hưởng, trong đó huyện M’Drắk có 3 điểm gồm: Trường Nguyễn Trãi (xã Ea Mdoal) bị tốc mái, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện M’Drắk bị sập 20 m tường rào; Trường Ngô Quyền (xã Cư M’ta) bị bay bảng hiệu; huyện Krông Năng có 1 điểm tại Trường Tiểu học Nguyễn Chí Thanh (xã Tam Giang) bị sập 30 m tường rào.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Năng kiểm tra tình hình mưa bão trên địa bàn xã Tam Giang. |
Theo cảnh báo của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk, lượng mưa phổ biến từ 40 - 70 mm, có nơi trên 120 mm; gió mạnh cấp 5 - cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8. Đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt cục bộ tại các huyện M’Drắk, Ea Kar, Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Pắc, Krông Ana, Cư Kuin, Krông Búk, Ea H’leo, Krông Năng, TP. Buôn Ma Thuột và các vùng lân cận.
Sẵn sàng các phương án ứng phó
Trước tình hình trên, UBND huyện M’Drắk đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn, thăm hỏi gia đình bị nạn, đồng thời chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ người chết do thiên tai theo quy định. Sẵn sàng, chủ động các phương án phòng chống mưa, bão, lũ, phương án sơ tán nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, ven sông, suối, vùng trũng, thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, đặc biệt thôn 9, 10, 11 (xã Cư San); thường xuyên thông báo tình hình mưa, bão, lũ để nhân dân chủ động ứng phó…
Tại huyện Krông Năng, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cũng đã tổ chức đi kiểm tra tình hình mưa, bão ở các xã bị ảnh hưởng nặng để chỉ đạo công tác ứng phó. Yêu cầu người dân không được chủ quan trước mưa và gió mạnh, hạn chế đi ra khỏi nhà cũng như chú ý chằng chống nhà cửa khỏi bị tốc mái. Các địa phương tổ chức trực ban phòng chống thiên tai 24/24 giờ, theo dõi cập nhật tình hình, sẵn sàng chủ động ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ".
Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai xã Ea Sar (huyện Ea Kar) kiểm tra thực địa. |
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã có văn bản chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo và các nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế để chủ động cho học sinh nghỉ học tránh bão lũ. Theo đó, trong ngày 28-10, tất cả các học sinh từ mầm non đến bậc trung học phổ thông thuộc huyện Krông Năng và huyện Krông Búk nghỉ học. Ngoài ra, một số trường học trên địa bàn các huyện Ea H’leo, M’Drắk, thị xã Buôn Hồ, Krông Búk… học sinh cũng nghỉ học để phòng chống mưa lũ.
Sở Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; cảnh báo để cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hết sức cẩn trọng; sẵn sàng ứng phó và phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho người dân tránh trú mưa bão trong điều kiện cho phép.
Đồn Biên phòng Ea H’leo chuẩn bị lực lượng và phương tiện ứng phó với bão số 9. |
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các Đồn Biên phòng, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, đặc biệt là các đơn vị đóng quân trên địa bàn huyện Ea Súp - nơi dự báo chịu tác động mạnh của cơn bão, kịp thời theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, mưa lũ; duy trì nghiêm kíp trực sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện; đồng thời, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở đất đá, ngập lụt, lũ ống, lũ quét để phối hợp với địa phương, các lực lượng nhanh chóng có biện pháp di dời nhân dân và cán bộ, chiến sĩ đến nơi an toàn; chú ý bảo đảm an toàn cho tổ, đội công tác và chốt phòng, chống Covid-19 trên biên giới. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã thành lập lực lượng phản ứng nhanh tại cơ quan Bộ Chỉ huy túc trực 24/24 sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ ứng phó với cơn bão số 9 khi có lệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công điện yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung rà soát, triển khai công tác đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, sẵn sàng sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, vùng có có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống vùng ngập sâu, chia cắt đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; tăng cường công tác thông tin, truyền thông để người dân biết, chủ động phòng tránh, ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ. |
Minh Thuận - Lân Hùng
Ý kiến bạn đọc