Multimedia Đọc Báo in

Cùng hướng về vùng lũ miền Trung

06:32, 22/10/2020

Những ngày vừa qua, người dân các tỉnh miền Trung đang chịu thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Nhiều gia đình mất người thân, tài sản, phải chịu cảnh đói khát kéo dài... Thấu hiểu sự mất mát đó, người dân các địa phương trong tỉnh đã và đang kêu gọi san sẻ yêu thương với đồng bào miền Trung ruột thịt...

Trước diễn biến mưa lũ những ngày qua ở khu vực miền Trung, nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar đã lên kế hoạch phát động Chương trình “Chuyến xe thân thương” – hỗ trợ miền Trung, vận động quyên góp để hỗ trợ người dân vùng lũ. Ngoài sự hỗ trợ về phương tiện vận chuyển của Công ty Vận tải Minh Dũng, nhóm đã đăng tải thông tin trên mạng xã hội Facebook, Zalo để kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ chương trình. Chỉ sau 2 ngày (20 và 21-10), Chương trình “Chuyến xe thân thương” - hỗ trợ miền Trung đã tiếp nhận gần 200 triệu đồng tiền mặt, 4.000 thùng mì tôm, 15.000 chai nước, gần 4 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm như đường, sữa, lương khô và quần áo… với trị giá hàng hóa ước tính trên 400 triệu đồng.

Phật tử xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) gói bánh chưng, bánh tét hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung. Ảnh: Như Quỳnh
Phật tử xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) gói bánh chưng, bánh tét hỗ trợ người dân vùng lũ miền Trung. Ảnh: Như Quỳnh

Với tấm lòng cùng hướng về đồng bào miền Trung ruột thịt, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Ban Vận động cứu trợ huyện Ea Kar đã kêu gọi các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Tính đến chiều 21-10, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã tiếp nhận số tiền 25 triệu đồng. Các cấp hội phụ nữ huyện Ea Kar cũng đã phát động lời kêu gọi 18 cơ sở hội triển khai các hoạt động thiết thực hướng về miền Trung. Chị Cao Thị Bích, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Elang cho biết, chỉ trong 2 ngày phát động, Hội đã nhận được rất nhiều nhu yếu phẩm, hơn 7 triệu đồng tiền mặt, 500 kg gạo tẻ, 700 kg gạo nếp cùng đậu xanh, thịt, lá dong và sự chung tay, góp sức của hội viên, nhân dân trên địa bàn để gói khoảng 1.200 bánh tét gửi Chương trình “Chuyến xe thân thương” – hỗ trợ miền Trung.

Còn tại huyện Krông Pắc, các hoạt động chia sẻ khó khăn với bà con vùng lũ được chính quyền địa phương và người dân thực hiện ngay từ giữa tháng 10-2020 thông qua việc quyên góp tiền mặt, vật dụng, hàng hóa, vận chuyển đến các tỉnh miền Trung. Trong đó chương trình gói bánh tét do Huyện Đoàn, Hội LHTN, Hội Đồng đội huyện Krông Pắc thực hiện là một trong những hoạt động nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Krông Pắc, có khoảng 40 người tham gia chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, nấu bánh. Trong lúc mọi người tất bật gói bánh trong hội trường thì phía ngoài sân, nhiều người dân tiếp tục đem nguyên vật liệu đến để ủng hộ. Bà Trần Thị Hạnh, thôn Phước Thọ 4, xã Ea Phê xúc động nói: "Hình ảnh lũ nhấn chìm nhà cửa, vây quanh là biển nước mênh mông, bà con chịu đói khát khiến tôi không cầm lòng được. Nhờ sự kết nối, tìm hiểu thông tin qua mạng xã hội, tôi biết được xã Ea Phê đang tổ chức gói bánh tét để gửi về miền Trung nên đến tham gia". Ngay sau khi gói xong 700 chiếc bánh tét tại xã, bà Hạnh chở thêm 5 người nữa đến Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện để gói bánh.

Người dân huyện  Krông Pắc   gói bánh tét  hỗ trợ đồng bào ở vùng lũ.
Người dân huyện Krông Pắc gói bánh tét hỗ trợ đồng bào ở vùng lũ.

Không chỉ người lớn mà học sinh trên địa bàn huyện cũng hăng hái quyên góp tiền tiết kiệm, tham gia góp sức cho việc nấu bánh. Em Hồ Gia Bảo, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành viên Câu lạc bộ Hành trình trẻ cho biết, sau khi tan trường, được sự cho phép của gia đình, em cùng với các thành viên trong câu lạc bộ đến phụ giúp, chuẩn bị nguyên liệu như ngâm nếp, chặt lá chuối, rửa lá, chuẩn bị củi…

Theo Ban tổ chức chương trình, kế hoạch ban đầu của huyện là gói khoảng 2.000 chiếc bánh tét và vận chuyển khoảng 10 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm về miền Trung. Tuy nhiên, với sự ủng hộ tích cực của người dân, số bánh và hàng hóa nhận được vượt ngoài kế hoạch. Cụ thể, đến ngày 21-10 đã có 3.500 chiếc bánh được gói và triển khai nấu trong ngày để kịp đến sáng 22-10 vận chuyển về tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Hiện tại, Ban tổ chức chương trình đã nhận 40 triệu đồng tiền mặt, hàng chục tấn nhu yếu phẩm như đường, mì tôm, nước mắm, nước uống…

Những ngày này, tại Phật đường Pô Lăn ở xã Hòa Thắng và quán cơm chay 5.000 đồng của Chùa Khải Đoan (TP. Buôn Ma Thuột) tấp nập người dân đến gói bánh chưng, bánh tét và chuẩn bị nhiều phần quà gửi ra các tỉnh miền Trung với hy vọng sẻ chia bớt khó khăn cho người dân vùng lũ. Bà Đinh Thị Thơ, ở thôn 2 (xã Hòa Thắng) bày tỏ: "Tôi xem ti vi thấy người dân miền Trung chịu nhiều mất mát, đau thương. Nhiều gia đình bị cô lập trong nước lũ, chịu cảnh đói khát.  Vì vậy, khi nghe có chương trình quyên góp, ủng hộ người dân vùng lũ, tôi đến đây để cùng gói bánh chưng, bánh tét. Hy vọng bà con ở vùng thiên tai, lũ lụt không bị thiếu đói".

Các đơn vị, cá nhân ở huyện Ea Kar ủng hộ nhu yếu phẩm để gửi đến vùng lũ miền Trung.  Ảnh: Xuân Thao
Các đơn vị, cá nhân ở huyện Ea Kar ủng hộ nhu yếu phẩm để gửi đến vùng lũ miền Trung. Ảnh: Xuân Thao

Đại đức Thích Nguyên Huấn, Trưởng Ban Thông tin - Truyền thông Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, ngay sau khi phát động chương trình “Thương về miền Trung” có rất đông phật tử trong nước và người Việt đang sinh sống ở nước ngoài ủng hộ tiền mặt, hiện vật để chuẩn bị cho chuyến đi thiện nguyện. Theo kế hoạch vào ngày 23-10, Đoàn cứu trợ của chương trình “Thương về miền Trung” sẽ đến với bà con chịu nhiều thiệt hại do lũ lụt ở các tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Đoàn sẽ phát tận tay trên 3.000 chiếc bánh chưng, bánh tét; hơn 1.000 phần quà, gồm: tiền mặt và một số vật dụng cần thiết như: mì tôm, chăn mền, áo phao, quần áo...

Cùng hướng về miền Trung ruột thịt, tại Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk), các thầy cô giáo và phụ huynh học sinh cũng đang cấp tốc nấu những nồi bánh tét gửi ra miền Trung. Nhiều phụ huynh biết được hoạt động ý nghĩa này đã tạm gác công việc của gia đình, dành thời gian đến gói bánh, thức suốt đêm canh lửa… Thầy Nguyễn Viết Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ cho hay, sau một buổi sáng phát động, đến nay nhà trường đã gói trên 600 chiếc bánh tét. Nhiều gia đình phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn sàng san sẻ với người dân vùng lũ. Đây là bài học đạo đức thiết thực nhất cho học sinh nhà trường về truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Thầy Nguyễn Viết Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Công Trứ (xã Ea Ngai, huyện Krông Búk) cho biết: Cùng với giáo viên, học sinh, nhiều gia đình phụ huynh hoàn cảnh khó khăn nhưng sẵn sàng tham gia phong trào do nhà trường phát động để san sẻ với người dân vùng lũ. Đây là bài học đạo đức thiết thực cho học sinh về truyền thống tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam.

Những ngày qua cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân huyện M’Drắk đã có nhiều hoạt động quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị lũ lụt. Ngay sáng 20-10, tại Hội nghị trực tuyến thông báo nhanh kết quả Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại điểm cầu huyện M’Drắk, Ủy ban MTTQVN huyện M’Drắk đã vận động các đại biểu tham dự hội nghị ủng hộ đồng bào miền Trung được hơn 10 triệu đồng.

Trước đó, trong hai ngày 19 và 20-10, Hội Bếp cơm tình thương do một số bạn trẻ trên địa bàn huyện M’Drắk thành lập đã vận động và tiếp nhận hơn 53 triệu đồng, 150 thùng mì tôm, 23 thùng sữa, nước uống và nhiều quần áo cũ. Anh Nguyễn Đức Châu Hồ, chủ quán cà phê Thủy Tiên (thị trấn M’Drắk) đã tự nguyện đứng ra tiếp nhận tiền, hàng của các mạnh thường quân và người dân trên địa bàn huyện ủng hộ đồng bào miền Trung; tính đến sáng 20-10 đã vận động được 15 triệu đồng, 15 bao quần áo cũ, 26 thùng mì tôm và 30 áo khoác, 100 bộ quần áo mới của các tiểu thương chợ Khánh Dương ủng hộ. Toàn bộ số tiền, hàng và quần áo nói trên sẽ được các tổ chức và cá nhân chuyển đến tay người dân miền Trung một cách sớm nhất.

Nhóm PV và CTV

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.