Multimedia Đọc Báo in

Hoàn cảnh bi đát của vợ chồng già neo đơn, bệnh tật

07:48, 12/10/2020

Năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ông bà Cao Văn Tưởng và Nguyễn Thị Kim Hồng (thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar) vẫn chưa hết cơ cực. Nghèo khó lại thêm tuổi già và bệnh tật khiến hoàn cảnh ông bà hết sức bi đát.

Không con cái, vợ chồng ông Tưởng và bà Hồng sống cả cuộc đời trong cảnh nghèo khổ. Không nhà, không mảnh đất cắm dùi, ông bà chỉ biết thui thủi làm thuê nuôi thân. Một số chủ rẫy cảm thương cho ông bà ở nhờ trong chòi rẫy, cứ như vậy họ lay lắt nay đây mai đó. Dành dụm mãi đến năm 2009, ông bà có đủ tiền mua được một mảnh rẫy heo hút, cách xa khu dân cư tại thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar) rồi dựng tạm căn nhà gỗ làm nơi ở. 

Tuổi ngày càng lớn, lại thêm lao động vất vả, ăn uống thiếu thốn nên sức khỏe của ông Tưởng, bà Hồng ngày càng yếu. Năm 2011, ông Tưởng phải nhập viện chữa trị vì cơ thể suy nhược, viêm xoang, viêm đa khớp; còn bà Hồng mắt cũng bị mờ, lại thêm bệnh khớp. Tuổi cao sức yếu nên không có ai thuê mướn, để kiếm sống, vào mùa thu hoạch nông sản ông bà cặm cụi đi mót cà phê, tiêu; hết mùa thu hoạch lại dắt díu nhau đi lượm ve chai kiếm vài chục nghìn đồng mỗi ngày. Những ngày mưa hay khi ốm đau trái gió trở trời phải ở nhà thì ông bà lâm cảnh không tiền không gạo, phải nhịn đói, thỉnh thoảng được nhà chùa hỗ trợ 5 – 10 kg gạo.

Ông Tưởng và bà Hồng trong ngôi nhà  mục nát.
Ông Tưởng và bà Hồng trong ngôi nhà mục nát.

Tháng 9-2017, ông Tưởng phải nhập viện và phải chuyển tới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh điều trị u hốc mũi hai bên. Sau khi xuất viện, dù bệnh viện hẹn ngày tái khám nhưng không có tiền nên ông đành phó thác cho số phận. Tình cảnh của ông Tưởng, bà Hồng hiện hết sức bi đát. Mắt bà Hồng đã mờ không còn nhìn rõ, chân không đi được phải chống gậy, còn ông Tưởng thì hai khối u bên mũi ngày càng nặng, máu mủ chảy ra khiến ông bị sốt thường xuyên. Trong căn nhà gỗ mục nát không có gì đáng giá, ông bà bữa no bữa đói, thức ăn hằng ngày chủ yếu là rau hái xung quanh nhà.

Hoàn cảnh đáng thương của vợ chồng già neo đơn, nghèo khó, bệnh tật đang rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Ông Cao Văn Tưởng và bà Nguyễn Thị Kim Hồng, ở thôn Hiệp Nhất, xã Quảng Hiệp (huyện Cư M’gar); điện thoại: 0334511742; hoặc Quỹ Tấm lòng vàng Báo Đắk Lắk, 23 Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Minh Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.