Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M'gar: Tích cực nhân rộng mô hình "Phụ nữ thu gom phế liệu gây quỹ"

08:40, 09/10/2020

Thời gian qua, phụ nữ huyện Cư M’gar đã triển khai hiệu quả mô hình “Phụ nữ thu gom phế liệu gây quỹ”. Mô hình vừa hạn chế việc xả rác thải ra môi trường, vừa giúp gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời giúp chị em ý thức hơn về bảo vệ môi trường và gắn kết với nhau hơn.

Nhận thấy nhiều gia đình có thói quen vứt các loại phế liệu như lon bia, chai nhựa… vào thùng rác nên Hội LHPN huyện Cư M'gar đã nảy ra ý định xây dựng mô hình thu gom phế liệu gây quỹ giúp đỡ phụ nữ và trẻ em khó khăn trên địa bàn. Tháng 6-2020 xã Cư Dliê M’nông được chọn làm địa phương thí điểm để triển khai mô hình.

Khi mới thành lập, mô hình có 45 hội viên phụ nữ tham gia. Cán bộ các chi hội phụ nữ đến từng gia đình tuyên truyền, vận động chị em về ý nghĩa của mô hình. Về sau, nhiều người cùng tích cực hưởng ứng. Đến nay, mô hình của xã Cư Dliê M'nông đã có 85 hội viên tham gia và bước đầu mang lại hiệu quả. Phương thức hoạt động của mô hình là mỗi hộ tự thu gom, phân loại rác thải của gia đình mình. Rác thải thuộc loại tái chế được như vỏ lon bia, chai nhựa, giấy vụn… thì thu gom lại, để riêng bán lấy tiền. Chị H'Yuôr Kđoh, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Dliê M’nông cho hay, đều đặn, mỗi tuần Ban chủ nhiệm mô hình sẽ đến từng nhà thu gom phế liệu đã phân loại để bán lấy tiền ủng hộ quỹ. Có những chị không phải là hội viên cũng tham gia thu gom, đóng góp phế liệu.

Phụ nữ thị trấn Quảng Phú thu gom phế liệu để gây quỹ.
Phụ nữ thị trấn Quảng Phú thu gom phế liệu để gây quỹ.

Tính đến nay, chị em của xã Cư Dliê M’nông đã thu được hơn 3 triệu đồng từ việc bán phế liệu. Từ nguồn kinh phí này, đầu năm học vừa qua, Hội LHPN xã đã trao tặng 6 suất quà cho học sinh nghèo, vượt khó trên địa bàn. Sắp tới, Hội sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả mô hình để có kinh phí tổ chức giúp đỡ hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Chị H'Yuôr Kđoh cho biết thêm, cũng nhờ mô hình mà nhiều chị em ở xã đã tự giác thực hiện và ý thức hơn, hạn chế xả rác thải ra môi trường. Cũng có chị hễ đi bộ ngoài đường hay đi chợ, thấy phế liệu vứt bỏ ngoài đường là tự động thu gom sạch sẽ, mang về để chờ hội viên phụ nữ đến lấy.

Qua hoạt động của mô hình, nhận thức của chị em được nâng lên, lượng rác thải nhựa thải ra môi trường giảm đáng kể. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực và đang được nhân rộng trên địa bàn huyện. Bà Võ Thị Nông, Ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPN huyện cho biết thêm, từ kết quả đạt được, Hội LHPN huyện Cư M’gar mạnh dạn nhân rộng mô hình, thu hút nhiều hội viên cùng tham gia. Mới đây nhất, Hội LHPN thị trấn Quảng Phú cũng thành lập, ra mắt mô hình "Phụ nữ thu gom phế liệu gây quỹ". Trước đó ở xã Ea Tul cũng đã thành lập mô hình này. Như vậy, toàn huyện đã có ba mô hình đang hoạt động tại xã Cư Dliê M’nông, xã Ea Tul và thị trấn Quảng Phú, với hơn 150 hội viên tham gia.

Riêng ở thị trấn Quảng Phú, tình trạng người dân vứt rác thải ra đường bừa bãi vẫn còn phổ biến. Vì thế Hội Phụ nữ thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và cùng nhau hưởng ứng, hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp. Trên thực tế, phụ nữ ở thị trấn phần lớn làm nghề buôn bán. Khi được hội phụ nữ phát động phong trào thu gom phế liệu, các chị hưởng ứng nhiệt tình. Chị Trần Thị Thu (tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú) chia sẻ, nhà chị bán quán cà phê nên mỗi ngày, lượng phế thải nhựa bỏ đi rất nhiều nên chị rất ủng hộ mô hình này. Mỗi người cùng chung tay để môi trường sạch hơn. Càng nhiều hộ dân cùng tham gia thì quỹ thu về càng lớn và có tiền để hỗ trợ, giúp đỡ được nhiều hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Theo bà Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar, mô hình này đã tạo sức lan tỏa trong chị em và có ý nghĩa thiết thực. Hội tiếp tục tập trung nhân rộng mô hình và tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Bởi môi trường là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đảm nhận và quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.