Multimedia Đọc Báo in

Chung tay vì cuộc sống cộng đồng

08:33, 23/12/2020

Với tinh thần "Sống yêu thương, phục vụ", những năm qua, Giáo xứ Kim Phát (xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) đã có nhiều hoạt động thiết thực kêu gọi sự đóng góp, giúp đỡ của bà con giáo dân và các mạnh thường quân để hỗ trợ cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước ổn định cuộc sống.

Ea T’lá và Hra Ea H’ning là hai buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Dray Bhăng. Người dân nơi đây chủ yếu sinh sống phụ thuộc vào nông nghiệp, trong khi đó nhiều hộ không có đất sản xuất nên đời sống còn nhiều khó khăn. Với mong muốn giúp người dân có thêm sinh kế để làm ăn, tăng thêm thu nhập, năm 2010, Giáo xứ Kim Phát đã tặng bò giống theo hình thức luân chuyển cho những hộ nghèo tại hai buôn, giúp họ có điều kiện phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập. Từ đó đến nay, giáo xứ đã trao tặng 77 con bò cho các hộ nghèo.

Đại diện Giáo xứ Kim Phát thăm hỏi đời sống người dân buôn Hra Ea H'ning.
Đại diện Giáo xứ Kim Phát thăm hỏi đời sống người dân buôn Hra Ea H'ning.

Gia đình bà H’Ngun Bkrông (buôn Hra Ea H’ning) không có đất sản xuất, thuộc diện hộ nghèo. Chồng mất sớm, một mình bà phải bươn chải làm đủ nghề để nuôi bảy người con ăn học. Năm 2010, gia đình bà được Giáo xứ Kim Phát tặng một con bò giống để nuôi. Sau hai năm, bà đã có thêm một con bê con để luân chuyển cho hộ nghèo khác trong buôn. Thấy việc chăn nuôi thuận lợi, bà H’Ngun nhận nuôi thêm bò cho các hộ dân khác để có thêm thu nhập. Tích lũy từ tiền bán bò cùng với số tiền các con đi làm ăn xa gửi về, bà đã xây dựng được căn nhà rộng rãi, khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng. Hiện bà H’Ngun đang sở hữu đàn bò 5 con và đã ra khỏi danh sách hộ nghèo của địa phương.

Cùng với việc hỗ trợ sinh kế, Giáo xứ Kim Phát còn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng nhà ở giúp những hộ khó khăn về nhà ở hai buôn an cư lạc nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, giáo xứ đã xây dựng được 35 căn nhà Tình thương cho hộ nghèo hai buôn với tổng trị giá 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hỗ trợ vật liệu cho 100 hộ dân xây nhà ở, nhà tắm, nhà vệ sinh... Đơn cử như gia đình anh Y Ty Niê (buôn Hra Ea T’lá), nhiều năm phải sống trong túp lều dựng tạm nơi góc vườn. Mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều dựa vào tiền kiếm được từ việc làm thuê làm mướn. Cuối năm 2019, gia đình anh được Giáo xứ Kim Phát hỗ trợ làm căn nhà cấp 4 rộng 30 m2. 

 
Giáo xứ sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người dân, đặc biệt là hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo...".
 
Ông Vũ Thành Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Kim Phát

Trước đây, nguồn nước sinh hoạt của người dân buôn Ea T’lá và Hra Ea H’ning đều được lấy từ giếng đào hoặc các con suối cách nhà 2 - 3 km nên không bảo đảm vệ sinh. Trong hai năm 2009 và 2017, giáo xứ đã đầu tư xây dựng công trình cấp nước trị giá 400 triệu đồng tại hai buôn giúp người dân có nguồn nước sạch để sử dụng. Ngoài ra, còn lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng dài 4 km nối từ hai buôn ra trung tâm xã, giúp việc đi lại của người dân được thuận tiện, an toàn hơn vào ban đêm.

Không chỉ triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân cải thiện cuộc sống, giáo xứ còn tích cực tuyên truyền, vận động bà con giáo dân hiến hơn 3.500 m2 đất, 3.000 ngày công cùng Nhà nước làm đường giao thông nông thôn, hội trường thôn, thiết chế văn hóa… góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.

Gia đình bà H’Ngun Bkrông (buôn Hra Ea H’Ning) thoát nghèo nhờ giáo xứ Kim Phát hỗ trợ vật nuôi.
Gia đình bà H’Ngun Bkrông (buôn Hra Ea H’Ning) thoát nghèo nhờ giáo xứ Kim Phát hỗ trợ vật nuôi.

Ông Vũ Thành Minh, Chủ tịch Hội đồng Giáo xứ Kim Phát cho biết, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, bà con giáo dân và các mạnh thường quân đã đóng góp, ủng hộ để Giáo xứ Kim Phát xây dựng được 68 căn nhà Tình thương tặng các hộ khó khăn (kể cả người không theo đạo); trao 11.700 phần quà cho học sinh nghèo; tặng 65 chiếc xe lăn cho người tàn tật;  5.000 suất quà là nhu yếu phẩm cho người già yếu, hộ nghèo... với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.