Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn: Nỗ lực bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân

08:29, 23/12/2020

Buôn Đôn là huyện có đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, việc tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe còn nhiều hạn chế. Do đó, BHXH huyện luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền cũng như chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thuộc địa bàn khó khăn, phần lớn người dân ở địa phương đều được Nhà nước cấp thẻ BHYT, số hộ thuộc diện bắt buộc tham gia thì đời sống còn nhiều khó khăn nên cũng không mấy mặn mà. Cùng với đó, do người dân vẫn còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước nên việc vận động họ tham gia BHYT là cả một hành trình gian nan. Tuy nhiên, xác định BHYT là chính sách an sinh xã hội quan trọng nhằm chia sẻ, hỗ trợ người dân trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe thường xuyên và lâu dài, thời gian qua, BHXH huyện Buôn Đôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nhận thức để tham gia BHYT.

Theo đó, ngoài việc thường xuyên phối hợp với Bưu điện huyện tổ chức các buổi tuyên truyền tận thôn, buôn, BHXH huyện còn tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi, treo băng rôn, pa nô, áp phích với các nội dung, thông điệp đa dạng ở các khu dân cư. Đồng thời, giao chỉ tiêu cho các đại lý, điểm thu tại các địa phương để vận động nhân dân tích cực tham gia.

Cán bộ BHXH huyện Buôn Đôn và nhân viên thu giới thiệu chính sách BHYT đến người dân.
Cán bộ BHXH huyện Buôn Đôn và nhân viên thu giới thiệu chính sách BHYT đến người dân.

Đơn cử như gia đình bà Nguyễn Thị Chi (xã Ea Bar), mặc dù cuộc sống còn khó khăn nhưng mỗi năm bà đều cố gắng tiết kiệm chi tiêu để tham gia BHYT cho tất cả 6 thành viên trong gia đình. Bởi theo bà, tấm thẻ BHYT như "lá bùa hộ mệnh" của mỗi người, nếu không may bị đau ốm phải nằm viện thì đỡ được chi phí khám và điều trị, còn may mắn không phải đến bệnh viện thì càng vui mừng hơn. Được biết, bà Chi bị viêm xoang khá nặng nên hằng tháng phải đến bệnh viện khám và lấy thuốc, mỗi lần như thế, nhờ có BHYT nên bà không phải tốn chi phí nhiều.

Đến cuối tháng 11-2020, huyện Buôn Đôn đã vượt chỉ tiêu giao về phát triển BHYT hộ gia đình.

Đầu năm 2020, em Nguyễn Tuấn Hùng (học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Hồng Phong, xã Ea Wer) đột nhiên bị ngất, đến bệnh viện khám thì được chẩn đoán xuất huyết não và được chuyển xuống Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh ) để điều trị. Hơn 2 tháng nằm viện, nếu không có BHYT chi trả phí khám chữa bệnh, có lẽ gia đình em sẽ rơi vào cảnh hết sức khó khăn bởi số tiền điều trị lên đến gần cả trăm triệu đồng, đó là chưa kể đến chi phí ăn uống, đi lại. Anh Nguyễn Văn Tập (bố Hùng) chia sẻ: "Trước đây tôi vẫn luôn nghĩ BHYT có cũng được, không có thì cũng chả sao nhưng khi trong nhà có người đau ốm, phải nằm viện điều trị dài ngày mới thấy được tầm quan trọng của việc tham gia BHYT. Quãng thời gian đó, nếu không có BHYT chi trả phí điều trị cho con trai thì gia đình tôi không biết xoay sở như thế nào".

Cán bộ BHXH huyện Buôn Đôn tuyên truyền các chính sách của bảo hiểm đến người dân.
Cán bộ BHXH huyện Buôn Đôn tuyên truyền các chính sách của bảo hiểm đến người dân.

Có thể thấy, với việc được chi trả từ 80 - 100% chi phí khám chữa bệnh (tùy theo từng đối tượng), BHYT đã giúp nhiều gia đình bệnh nhân giảm được gánh nặng chi phí điều trị; hơn thế nữa, mỗi người dân tham gia BHYT còn thể hiện sự tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro giữa người khỏe với người ốm, giữa người trẻ với người già, giữa người có thu nhập cao với người có thu nhập thấp..

Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Buôn Đôn, tính đến cuối tháng 11-2020, địa phương đã vượt chỉ tiêu giao về phát triển BHYT hộ gia đình. Cụ thể, đơn vị đã vận động được 61.949/61.698 người chỉ tiêu giao, nâng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn huyện lên 96%. Ông Lê Công Tuyến, Giám đốc BHXH huyện Buôn Đôn cho hay: "Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới BHXH huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT; chú trọng thực hiện tốt các chế độ cho người tham gia BHYT, nhất là đối với hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa để họ được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe".

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.