Multimedia Đọc Báo in

Bắc nhịp cầu nhân ái

08:35, 22/01/2021

Với đam mê và lòng nhân ái, nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar đã kết nối yêu thương cho hàng nghìn trẻ em nghèo, người dân có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài tỉnh.

Chủ nhiệm nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar Phạm Mạnh Hùng (ở thôn 7, xã Cư Ni) chia sẻ, năm 2013 đang là sinh viên Trường Trung cấp Y tế Đắk Lắk, anh thường tham gia các hoạt động thiện nguyện do nhà trường tổ chức rồi đam mê từ lúc nào không hay. Năm 2015, tốt nghiệp ra trường với những kinh nghiệm công tác xã hội tích lũy được và mong muốn kết nối những người cùng đam mê thiện nguyện anh thành lập nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar. "A4U là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “All for you” nghĩa là “tất cả đều dành cho bạn”- người có hoàn cảnh khó khăn”, anh Hùng cho hay.

Chủ nhiệm nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar Phạm Mạnh Hùng tặng quà cho người dân tại huyện Krông Năng.
Chủ nhiệm nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar Phạm Mạnh Hùng tặng quà cho người dân tại huyện Krông Năng.
Năm 2020, nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar là một trong 100 câu lạc bộ, đội, nhóm thiện nguyện vinh dự được nhận Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội LHTN Việt Nam vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào thanh niên.

Lúc mới thành lập nhóm chỉ có 20 thành viên, việc vận động kinh phí gặp nhiều khó khăn. Để duy trì hoạt động, mỗi tình nguyện viên đóng góp 50.000 đồng/tháng. Hằng tháng, nhóm thực hiện một chương trình "Hành trình nhân ái", trung bình tặng 1 tấn gạo, nhu yếu phẩm cho người nghèo; tổ chức sửa bàn ghế, tặng từ 700 - 1.000 áo ấm/năm cho học sinh tại các trường vùng sâu. Năm 2019, nhóm thực hiện 2 khu vui chơi tặng trẻ em xã Ea Sar (huyện Ea Kar) và xã Ea Đăh (huyện Krông Năng) với tổng trị giá hơn 10 triệu đồng. Đặc biệt, từ năm 2017 nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar thực hiện chương trình nhà Nhân ái cho những hộ chưa có nhà ở kiên cố. Đến nay, nhóm đã hỗ trợ xây dựng được 3 căn nhà Nhân ái và 1 căn nhà đang trong quá trình hoàn thiện, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng trước Tết Tân Sửu 2021. Mỗi căn nhà có diện tích từ 30 - 55 m2, với kinh phí từ 45 - 80 triệu đồng.

Căn nhà Nhân ái sắp hoàn thành là món quà nhóm tặng gia đình anh Sầm Văn Sơn (thôn 6D, xã Cư Elang, huyện Ea Kar) để đón năm mới Tân Sửu 2021. Gia đình anh Sơn thuộc hộ nghèo. Là trụ cột của gia đình, nhưng anh Sơn không có việc làm ổn định, thu nhập bấp bênh, còn vợ bị bệnh. Không chỉ nuôi 3 người con đang tuổi ăn học, anh Sơn còn cưu mang anh trai bị tai biến cùng 2 đứa con của anh trai. Biết được hoàn cảnh khốn khó của anh Sơn và hiện đang sống trong căn nhà làm bằng nứa cũ nát, nhóm A4U Ea Kar quyết định xây dựng căn nhà Nhân ái rộng 55 m2, với kinh phí 80 triệu đồng tặng gia đình anh Sơn. Cùng với đó, nhóm còn hỗ trợ 4 người con, cháu của anh Sơn mỗi tháng 300.000 đồng/em để các em yên tâm đến trường học tập. Đây là hoạt động nằm trong Dự án “Cùng em đến trường chắp cánh ước mơ” vừa được nhóm thực hiện trong năm 2020. Hiện nay, nhóm đã vận động, kết nối các nhà hảo tâm hỗ trợ 29 học sinh nghèo với mức mỗi tháng 300.000 đồng/em, trong vòng 1 năm.

 

Nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar trong chương trình Hành trình nhân ái 2020 tại thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng).  
Nhóm thiện nguyện A4U Ea Kar trong chương trình Hành trình nhân ái 2020 tại thôn Giang Đông (xã Ea Đăh, huyện Krông Năng).

Trong đợt mưa lũ gây thiệt hại lớn ở khu vực miền Trung vào tháng 10-2020 nhóm A4U Ea Kar đã thực hiện chương trình Chuyến xe thân thương - hỗ trợ miền Trung. Ngoài được Công ty Vận tải Minh Dũng hỗ trợ phương tiện vận chuyển, nhóm còn đăng tải thông tin trên mạng xã hội kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ chương trình. Sau thời gian ngắn, chương trình Chuyến xe thân thương - hỗ trợ miền Trung đã tiếp nhận gần 300 triệu đồng tiền mặt, 5.000 thùng mì tôm, 15.000 chai nước, gần 4 tấn gạo và nhiều nhu yếu phẩm, ước tính trên 1 tỷ đồng. Các  thành viên của nhóm đã đi 2 chuyến trong 11 ngày trực tiếp đến trao quà, tiền mặt cho người dân bị thiệt hại nặng tại các tỉnh Thừa Thiên – Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Thùy Dung

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.