Đổi thay Dray Sáp
Từ xuất phát điểm thấp, xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) đã năng động, sáng tạo tận dụng các nguồn lực vươn lên hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Diện mạo khởi sắc
Về Dray Sáp trong những ngày cuối năm, khi xã chuẩn bị đón nhận danh hiệu NTM, đi đến đâu, chúng tôi cũng thấy được niềm vui, cảm nhận được sự phấn khởi của người dân nơi đây.
Dray Sáp là một xã thuần nông được tách ra từ xã Ea Na vào tháng 10-2003. Khi ấy, xã có điểm xuất phát thấp, điều kiện kinh tế dân sinh còn nhiều khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ chiếm 38,7%, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao. Sau gần 18 năm thành lập, vùng đất nghèo khó ngày nào giờ đã hình thành nên những khu dân cư sầm uất; trường học, điện, nước sạch... được đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Du khách tham gia du lịch trải nghiệm tại cụm thác Gia Long - Dray Nur thuộc địa bàn xã Dray Sáp. |
Ông Nguyễn Thái Đô (thôn An Na) chia sẻ: “Trước đây cuộc sống của người dân địa phương rất khó khăn, thiếu thốn đủ đường, bà con chưa chủ động trong trồng trọt và chăn nuôi nên thu nhập bấp bênh. Từ khi có chương trình xây dựng NTM, các trục đường liên thôn, buôn đều được bê tông, hệ thống điện đường hoàn thiện, đi lại thuận lợi ai cũng phấn khởi. So với trước đây, xã có nhiều đổi thay, đời sống của người dân ngày càng nâng cao. Chúng tôi rất đồng tình và quyết tâm cùng địa phương giữ vững danh hiệu xã văn hóa, NTM”.
“Xác định việc hoàn thành các tiêu chí trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã khó, thì quá trình duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được càng khó hơn. Do đó, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, xã Dray Sáp chủ động xây dựng các giải pháp, quyết tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí theo hướng bền vững”.
Ông VŨ XUÂN TIỆN, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dray Sáp
|
Hướng dẫn chúng tôi tham quan vườn cam sành xum xuê trái đang chuẩn bị thu hoạch bán dịp Tết, ông Nguyễn Hoài Nam (thôn Dray Sáp) cho biết, trước đây gia đình ông có 1,4 ha đất đồi chỉ trồng hoa màu nhưng kém hiệu quả. Năm 2016, ông mạnh dạn cải tạo lại đất để trồng cam sành. Sau 3 năm chăm sóc, cây cam cho trái to, màu sắc đẹp, ngon ngọt được nhiều thương lái đánh giá cao đến thu mua tại vườn. Hiện nay, trung bình mỗi năm vườn cam của gia đình cho sản lượng khoảng 60 tấn, thu về lợi nhuận hơn 250 triệu đồng. Từ hiệu quả mô hình điểm của ông Nam, Hội Nông dân xã Dray Sáp đã nghiên cứu thêm về thổ nhưỡng, khí hậu địa phương đối với loại cây trồng này; đồng thời hỗ trợ thành lập Tổ nghề nghiệp trồng cam tại xã. Đến nay, trên địa bàn có trên 10 hộ chuyển đổi các vườn cà phê, tiêu kém năng suất sang trồng cây cam, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Vốn có tiềm năng du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên, trong đó điểm nhấn là cụm thác Gia Long - Dray Nur, xã Dray Sáp đã và đang nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, an toàn. Đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của người dân tộc thiểu số tại chỗ, đẩy mạnh du lịch cộng đồng để thu hút du khách, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực đóng góp một phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Dồn sức xây dựng nông thôn mới
Bước vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, với xuất phát điểm thấp, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Dray Sáp đã nỗ lực, phấn đấu, phát huy quy chế dân chủ và phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, huy động được nhiều nguồn lực để hoàn thiện 19 tiêu chí.
Từ năm 2011 đến tháng 9-2020, giá trị nguồn lực đã huy động cho xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã đạt trên 424 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, xã đã nhựa hóa, bê tông hóa 42,7 km đường xã, thôn, buôn, ngõ, xóm; 100% số hộ trong xã được sử dụng điện thường xuyên và an toàn; có 23,7 km đường giao thông được lắp điện chiếu sáng...
Trục đường chính vào xã Dray Sáp được thảm nhựa khang trang. |
Phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có, thời gian qua, xã Dray Sáp chú trọng nhiều hơn đến phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đúng hướng. Nhờ thế, mức thu nhập bình quân hiện nay đạt 41,7 triệu đồng/người/năm, tăng 27,2 triệu đồng so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 114 hộ, chiếm 5,38%; 100% thôn, buôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn đảm bảo sinh hoạt văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng dân cư trên địa bàn. Đến tháng 9-2020, Dray Sáp đã hoàn thiện 19/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Có thể thấy, công cuộc xây dựng NTM đã mang đến diện mạo mới cho xã Dray Sáp, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên cả về vật chất lẫn tinh thần. Đây là thành quả hết sức phấn khởi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã nỗ lực, phấn đấu trong suốt hơn 10 năm qua.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc