Giữ hồn văn hóa trầu cau
Lá trầu xanh quệt vôi hồng ăn cùng miếng cau trắng thơm đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt bao đời nay, để rồi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, là “nét duyên” mở đầu mọi việc lớn nhỏ trong mỗi nếp nhà.
Cái duyên truyền đời
Dạo quanh các chợ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chỉ thấy lác đác một vài sạp bán trầu, cau. Giờ đây trầu, cau không còn sử dụng phổ biến như trước, nhưng đâu đó vẫn có những người già, người trẻ gắn bó với nghề bán trầu, cau. Đó không chỉ là nghề mưu sinh, mà còn góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc.
Từ khi còn là cô gái mười chín đôi mươi, bà Hoàng Thị Minh Phương (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã theo mẹ ra chợ bày buồng cau, xấp trầu không trên vạt lá ngồi bán và chăm chỉ học cách têm trầu. Đến khi lấy chồng, bà mưu sinh bằng nhiều nghề khác nhau, nhưng cuối cùng vẫn tìm về với công việc bán trầu, cau thuở xưa và gắn bó ngót ngét đã 20 năm nay tại chợ Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột).
Bà Phương cho hay, ngày trước mười người đi qua sạp hàng trầu cau, thì có chín người mua, ai cũng nhai trầu đỏ thắm môi. Mặc dù đa số các gia đình thường có cây cau trước nhà, giàn trầu sau bếp nhưng mỗi khi đi chợ vẫn muốn ghé vào hàng trầu cau, để uống miếng nước trà, ăn miếng trầu, chia sẻ đôi ba câu chuyện thường ngày. Lúc đó, nhà ai thiếu trầu thì mua trầu, ít cau mua thêm cau, không khí chợ rộn ràng, thân thiết. Thời nay phụ nữ không nhai trầu nhuộm môi thắm nữa, khách mua đã thưa dần nhưng nét đẹp về trầu, cau thì không bị mai một. Bởi trầu cau luôn là lễ vật không thể thiếu trong ngày lễ, tết, cưới hỏi.
Cũng như bà Phương, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy nối nghề mẹ chồng bán cau, trầu ở chợ xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn) đã hơn 30 năm. Bà Thúy kể: “Quê ở Bình Định, sau khi lập gia đình, tôi theo nhà chồng lên xã Ea Bar sinh sống. Mẹ chồng buôn bán trầu, cau ở chợ nên tôi phụ bà từ năm 1985. Mỗi ngày, gia đình tôi bán ra gần 30 kg trầu, cau (kể cả bỏ mối). Đến nay, trầu, cau không còn đắt khách như xưa nên tôi bán thêm hàng mã và kết mâm quả cho đám cưới, đám hỏi. Yêu thích nghề têm trầu, kết cau, con trai lớn của tôi cũng đang theo nghề của mẹ”.
Bà Hoàng Thị Minh Phương (ở chợ Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) têm trầu cánh phượng cho khách. |
Giữ nét xưa…
Ngày nay, thói quen ăn trầu không còn phổ biến, nhưng trầu cau luôn hiện hữu trong mọi sinh hoạt của người Việt, được gìn giữ nguyên vẹn ý nghĩa và triết lý sâu sắc, nhắc chúng ta nhớ về nguồn cội, về truyền thống dân tộc tốt đẹp.
|
Rời quê Thanh Hóa đến xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) định cư từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ 20, gia đình cụ Lương Thị Giáo, 90 tuổi, ở thôn 12 vẫn giữ được thói quen hằng ngày chuẩn bị một cơi trầu, hũ vôi để đãi khách đến chơi, nhất là vào dịp Tết.
Theo cụ Giáo, trong cưới hỏi những quả cau tròn có dán chữ “song hỷ” là sính vật minh chứng cho tình yêu đôi lứa; ngày lễ, tết, giỗ chạp miếng cau, lá trầu là lễ vật dâng lên người đã khuất để thể hiện lòng thành kính của con cháu. “Nhìn miếng cau trắng đội “nón” vôi hồng, “khoác áo” trầu xanh như e thẹn, kiêu sa trong đĩa trầu têm cánh phượng đặt ngay ngắn trên bàn, cạnh đĩa mứt bí xanh làm từ vườn nhà và ấm trà nóng là đã thấy Xuân về. Tôi vẫn luôn nhắc nhở con cháu duy trì nét văn hóa trầu cau để hiểu được ý nghĩa về sự sum vầy, hạnh phúc, trọn vẹn trong gia đình”, cụ Giáo tâm sự.
Trong thôn 12 hiện còn khoảng mười người duy trì thói quen ăn trầu từ thời còn con gái. Ngày xưa nam thanh nữ tú ai cũng biết ăn trầu. Cũng vì thế, cụ Giáo ăn trầu thành quen nên ăn liên tục, có khi một ngày đến mười miếng trầu. Hôm nào không có miếng trầu cứ thấy thiếu thiếu, nhạt miệng… nên túi trầu cau, hũ vôi luôn được cụ đem bên mình. Vừa nhai trầu bỏm bẻm, cụ vừa nói: “Trầu cau như một liều thuốc bổ giúp những người cao niên quên đi nỗi buồn tuổi già, chống sâu răng, da dẻ lại hồng hào hơn. Thường xuyên ăn trầu cũng là cách các cụ lưu giữ nét văn hóa xưa…”.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc