Multimedia Đọc Báo in

Mùa hoa cà phê

20:34, 11/02/2021

Tôi, người con của xứ Nghệ, đến Tây Nguyên vào một mùa xuân cách đây đã trên 30 năm.

Là con nhà nông dân nghèo lam lũ, chỉ quen với mùi bùn đất, đêm đầu tiên nằm ngủ trong nhà người bạn ở ngoại ô Buôn Ma Thuột (bấy giờ mới chỉ là thị xã), nghe mùi hương thoảng thơm trong căn phòng nhỏ, mùi hương như thấm cả vào chăn, màn, giường, chiếu, tôi thầm nghĩ: cuộc sống bao gia đình còn khó khăn, thiếu thốn mà nhà anh bạn này đã xài nước hoa, thật quý phái, cao sang... Sáng hôm sau, bên chén trà sớm, tôi hỏi bạn: trong phòng ngủ cậu dùng nước hoa gì mà thơm thế? Anh bạn cười ha hả, rồi bật cửa sổ, chỉ ra vườn: “nước hoa” đó... Tôi bước tới cửa sổ, nhìn ra khu vườn rộng ngót 10.000 m2 trắng muốt hoa cà phê. Nhìn thoáng qua, những chuỗi hoa cà phê như là những chuỗi tuyết trắng trên nền lá xanh biếc.

Hoa cà phê.
Hoa cà phê.

Nhìn kỹ, thấy những cành cà phê dài cong cong tỏa đều bốn phía thân cây, đính đầy những bông hoa trắng. Mỗi bông có năm cánh nhỏ nuột nà. Hoa trổ thành từng cụm ba tới năm bông, nhìn cả cụm phần nào mang dáng dấp hoa mẫu đơn. Nhụy hoa có màu trắng ngà. Và từ những nhụy, những cánh hoa của biết bao triệu bông hoa, mùi hương tỏa ra ngan ngát thanh tao khắp khu vườn, khắp trời đất, nắng gió; khiến ong bướm bị mê dụ, từ tinh mơ đã xôn xao, bay lượn náo nức cả khu vườn. Đấy là lần đầu tiên tôi biết đến hoa cà phê.

Sau này, Buôn Ma Thuột đã trở thành quê hương thứ hai, đất đỏ bazan trở thành máu thịt của đời tôi, mỗi mùa xuân về tôi biết xứ sở này có tới hàng trăm loài hoa, nhưng với tôi mê mẩn nhất, hút hồn nhất vẫn là hoa cà phê, vì mấy lẽ: Đầu tiên là bởi sắc và hương. Sắc hoa trắng muốt, hình dáng cánh hoa tinh tế. Mùi hương chỉ ngan ngát, thoang thoảng, thanh tao, quyến rũ lạ kỳ. Vào giữa vườn cà phê đầy hoa nhưng ta chỉ nghe thoảng thơm, ngỡ như hương xa, dù hương đang ở rất gần; ngỡ chỉ bảng lảng đâu đó nhưng thực ra hương đang quấn quýt bên ta. Ta đi, hương như quyện theo, đồng hành theo bước chân ta. Ta nói, hương lẫn vào lời ta. Ta thở, hương hòa vào hơi thở. Hương như thấm cả vào gan ruột, thịt da ta, thấm vào tất cả mọi thứ đang tồn tại song cùng với mùa hoa, khiến tâm hồn ta thăng hoa hơn, cảm xúc dạt dào hơn.

Lẽ thứ hai, theo tôi hoa cà phê là loài hoa có nhiều ý nghĩa và giá trị nhất đối với hàng triệu con người đang sinh sống trên vùng đất Tây Nguyên - vùng đất trồng nhiều cà phê nhất nước ta. Từ ngàn xưa, cà phê không có trong tự nhiên ở xứ sở này. Hàng trăm ngàn héc-ta cà phê hoa trắng, trắng sáng cả trời Tây Nguyên hôm nay mỗi độ xuân về, có được là nhờ hàng triệu con người nơi đây - những người Êđê, M’nông, J’rai, những người Kinh, người Tày... từ trăm miền Tổ quốc tụ hội về đây. Họ đã chung lưng đấu cật đổ bao lớp mồ hôi tưới cho đất bazan giữa mùa khô nắng bỏng. Họ đã chăm bẵm cho cây cà phê trong sương lạnh từ lúc còn hạt mầm bé tí bằng bao tâm huyết, trí tuệ để tạo nên những mùa hoa. Họ nhìn vào mùa hoa để hy vọng mùa quả.

Và không chỉ vậy, mùa hoa cà phê còn là mùa mật ong ngọt ngào. Hàng trăm ngàn đàn ong được người dân nuôi, hút mật hoa cà phê, tạo nên thứ mật ong vàng óng ả như màu nắng Tây Nguyên, hương thơm, vị ngọt đậm, rất được khách hàng nước ngoài ưa chuộng.

Hương sắc cà phê. Ảnh: Hữu Nguyên
Hương sắc cà phê. Ảnh: Hữu Nguyên

Cũng bởi hoa cà phê hấp dẫn và có giá trị kinh tế lớn như vậy nên gần đây có rất nhiều người không ở vùng đất trồng cà phê muốn được chứng kiến, thưởng ngoạn, trải nghiệm mùa hoa cà phê và một số công ty du lịch đã tổ chức đưa khách từ các tỉnh đồng bằng lên Tây Nguyên vào mùa hoa. Du khách được dạo bước trong những vườn cà phê xanh mát, thoải mái ngắm hoa, được hít thở mùi hương cà phê và không khí trong lành (bởi hầu hết vườn cà phê hiện nay được sản xuất bằng phương pháp hữu cơ, không dùng phân hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật bằng hóa chất độc hại) để thỏa thích hít hà, chụp ảnh...

Hẳn đấy cũng là cái lẽ để không chỉ riêng tôi mà hàng triệu con người ở xứ sở này - tôi tin là thế - cùng chung nỗi đợi chờ mỗi mùa hoa cà phê tới và cùng chung niềm say đắm mê mẩn với hoa!

Đặng Bá Tiến

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.