Multimedia Đọc Báo in

Những người thầy không… giáo án

18:36, 10/02/2021

Có những lớp học không phấn trắng, bảng đen, không có giáo án chung nào cho những người thầy, mà ở đó chỉ có sự tận tâm cùng những hy sinh lặng thầm của các cán bộ quản giáo, giám thị đang công tác ở Trại tạm giam Công an tỉnh - những người gieo trồng “mầm thiện”cho các mảnh đời lầm lỡ.

Trại tạm giam Công an tỉnh hiện đang quản lý, cải tạo các đối tượng bị bắt nhưng chưa đưa ra xét xử, đối tượng vừa xét xử xong chờ chuyển sang trại giam và phạm nhân có thời gian thụ án dưới 5 năm. Trong số 2.220 người đang bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân tại trại, có nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt từ chung thân đến tử hình.

Phạm nhân lao động tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
Phạm nhân lao động tại Trại tạm giam Công an tỉnh.
"Mỗi cán bộ, quản giáo được xem như người đưa đò, đưa phạm nhân từ nơi tội lỗi trở về bến bờ hoàn lương. Khi phạm nhân được cảm hóa, giáo dục, nhận ra sai lầm, quay đầu về nẻo thiện đó chính là chiến công lớn nhất của người quản giáo”. 
Thượng tá Dương Tấn Bình, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh

Hơn 16 năm gắn bó trong lực lượng công an, với Thiếu tá Hoàng Trường Sơn, Trưởng phân trại quản lý phạm nhân - Trại tạm giam Công an tỉnh, mỗi một phạm nhân được hưởng chính sách khoan hồng, được đặc xá, tha tù trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng là niềm vui, là động lực để anh tiếp tục vun trồng cho “mầm thiện” sinh sôi. Thiếu tá Sơn cho biết, mỗi trường hợp phạm tội đều có nguyên nhân khác nhau. Có người do vô tình hoặc vì một phút bồng bột, song cũng có không ít kẻ chuyên nghiệp. Thái độ của phạm nhân khi nhận bản án có người sợ hãi, có kẻ bất cần; có người tích cực cải tạo, nhưng cũng có những kẻ chây ỳ, chống đối. Do vậy, cán bộ quản giáo phải vừa mềm dẻo vừa cứng rắn, vừa là thầy vừa là bạn, chủ động tìm hiểu, nắm bắt tâm lý của phạm nhân để có biện pháp giáo dục thích hợp, động viên tinh thần để họ yên tâm cải tạo, cảm hóa để họ nhận thức được sai lầm và hướng thiện.

Thiếu tá Hoàng Trường Sơn kể: Có những phạm nhân lúc vào trại chống đối quyết liệt, gào thét, đập phá, thậm chí tuyệt thực nhiều tuần. Mọi sự giáo dục tưởng chừng bất lực. Động lực lớn nhất để những cán bộ, quản giáo phấn đấu chính là niềm tin và hy vọng sau này khi mãn hạn tù, những phạm nhân này sẽ hướng thiện, có một công việc ổn định, kiếm được những đồng tiền chính đáng từ mồ hôi, công sức của mình và trở thành người có ích cho xã hội. Thiếu tá Sơn chia sẻ: “Cán bộ, quản giáo luôn phải đối mặt với nhiều áp lực, hiểm nguy, tiềm ẩn rủi ro rất cao. Tình trạng phạm nhân tìm cách trốn, tự sát, đánh nhau thường xuyên diễn ra. Mặt khác, cơ sở vật chất của trại còn thiếu thốn, nhiều công trình đã xuống cấp ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ”.

Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh giám sát công tác chuẩn bị cơm trưa cho phạm nhân.
Cán bộ Trại tạm giam Công an tỉnh giám sát công tác chuẩn bị cơm trưa cho phạm nhân.

Theo Thượng tá Dương Tấn Bình, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh, những năm qua, công tác quản lý giam giữ, giáo dục người bị tạm giữ, tạm giam và thi hành án phạt tù luôn được chú trọng. Nhờ vậy, số lượng phạm nhân được giảm án và tha tù có điều kiện ngày càng tăng. Trong năm 2020, trại đã tổ chức 150 buổi cho phạm nhân học tập về chính trị, pháp luật, giáo dục công dân kết hợp với các hình thức cải tạo bằng lao động. Song song đó, trại cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh cho phạm nhân yên tâm cải tạo, phục thiện.

Hng Chuyên

 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.