Nắng ấm xế chiều
Dù còn gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng nhiều người cao tuổi ở xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã từ chối và kiên quyết xin ra khỏi diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhường sự giúp đỡ cho những người khó khăn hơn.
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ, ngôi nhà của ông Nguyễn Phú Hảo (77 tuổi, ở thôn Quỳnh Ngọc 2) không có vật dụng gì đáng giá ngoài bộ bàn ghế cũ và chiếc bếp ga. Ông Hảo từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, sau khi trở về địa phương lập gia đình chí thú làm ăn sinh sống. Tuy nhiên, cuộc sống không suôn sẻ, ông có 5 người con thì người con trai út sinh năm 2005 không may bị chậm phát triển, không được bình thường như bạn bè đồng trang lứa. Gia đình không có đất sản xuất, các con lớn đều đi làm ăn sinh sống ở xa, bản thân ông bị bệnh tim mức độ 4, tắc nghẽn phổi, hằng ngày đều phải uống thuốc duy trì sức khỏe để chăm sóc người con tàn tật.
Ông Nguyễn Phú Hảo chia sẻ về lý do từ chối vào diện hộ nghèo. |
Từ năm 2014, chính quyền địa phương bình xét cho gia đình ông thuộc diện hộ nghèo để hưởng các chính sách ưu đãi, nhưng ông nhất quyết không nhận. Ông Hảo tâm sự: “Tôi không nhận hộ nghèo không phải vì khá giả đâu, mà vì con cái tôi đã trưởng thành, lập gia đình riêng cả rồi nên tôi nhường lại những ưu tiên đối với hộ nghèo cho hộ khác. Riêng với cháu út bị thiểu năng trí tuệ, hằng tháng được nhận trợ cấp 540.000 đồng, với số tiền ấy, hai bố con vẫn đủ rau cháo qua ngày. Riêng tôi cũng đã được hưởng chế độ 142 (về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước) nên muốn nhường cho các hộ khó khăn khác có điều kiện phát triển kinh tế. Với tôi, sống phải biết chia sẻ chứ không thể chỉ muốn phần lợi cho mình được”.
Sống phải biết chia sẻ cũng là điều ông Lê Đống (thôn Ea Tung) luôn tâm niệm thực hiện. Năm nay đã 86 tuổi, nhưng ông vẫn rất minh mẫn, tác phong nhanh nhẹn, hoạt bát. Vợ mất sớm, một mình ông Đống nuôi 6 người con nên cái nghèo vẫn luôn đeo bám gia đình mãi cho đến khi các con trưởng thành, ông mới bớt đi gánh nặng cơm áo.
Từ khi con cái yên bề gia thất, ông Đống ở một mình trong ngôi nhà gỗ nhỏ, quyết không nhờ cậy đến các con từ kinh tế đến sinh hoạt. Ông cho biết: “Lúc khó khăn đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều, giờ tuy không phải giàu sang nhưng tôi thấy mình vẫn còn sức khỏe để lao động, vẫn có thể tự mình chăm lo cuộc sống cho bản thân, trồng rau, nuôi gà, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp người cao tuổi nữa. Ở tuổi này, bản thân không phải phụ thuộc ai với tôi đã là niềm hạnh phúc lớn nhất. Xã hội còn rất nhiều người khổ cực, có hoàn cảnh éo le, cần sự giúp đỡ hơn mình”. Nghĩ là làm, trong cuộc họp thôn Ea Tung bình xét hộ nghèo vào cuối năm 2020, ông Lê Đống đã trình bày ý kiến và mong muốn thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo để nhường cho các hộ khó khăn hơn.
Ông Lê Đống. |
Trong những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Ea Na đã chỉ đạo, triển khai thực hiện tốt các chính sách đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo tại địa phương. Khi biết gia đình ông Hảo và ông Đống không nhận và xin ra khỏi hộ nghèo, nhiều người đã khuyên can rằng các cụ tuổi đã cao, kinh tế còn khó khăn lại đau ốm thường xuyên nên cần hưởng trợ cấp của Nhà nước. Thế nhưng, hai cụ vẫn luôn tâm niệm khi còn sức khỏe thì phải lao động, phải tính toán làm ăn, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, không thể cứ trông chờ, ỷ lại; họ xin thoát nghèo không phải vì kinh tế đã khá lên, mà từ suy nghĩ muốn tự thân vượt lên khó khăn. Ở tuổi xế chiều, những suy nghĩ và hành động thật đáng trân trọng, như tia nắng ấm áp, lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng về lối sống đẹp, sống có trách nhiệm với bản thân và với xã hội.
Vân Anh
Ý kiến bạn đọc