Multimedia Đọc Báo in

Nghề "kết nối lương duyên"

10:07, 17/02/2021

Nghề “kết nối lương duyên” - đó là câu nói vui mà nhiều người dành cho chị Võ Thị Liên (SN 1971) ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột), người thợ gắn bó gần 30 năm với nghề kết mâm quả cho lễ cưới, hỏi.

Vốn tính tỉ mỉ và yêu cái đẹp, lần đầu tiên nhìn thấy những tác phẩm tạo hình trái cây nghệ thuật, chị Liên đã bị cuốn hút và đem lòng say mê. Sau hai năm phụ việc trang trí cho các đám cưới, chị cất công ra tỉnh Thừa Thiên - Huế “tầm sư” học nghề kết trái cây rồng phụng và quay trở về với ý tưởng kinh doanh dịch vụ kết mâm quả phục vụ tiệc cưới, cũng từ đây chị gắn bó với nghề như một mối duyên.

Chị Liên cho hay, tùy theo văn hóa từng vùng miền mà số lượng mâm quả khác nhau. Người kết mâm quả cần tuân thủ quy tắc: trà rượu phải chẵn đôi, tất cả trái cây, hoa tươi phải bảo đảm tươi mới đến lúc qua lễ cưới, hỏi. Đặc biệt, mâm trái cây, trầu cau ngoài tính thẩm mỹ phải chắc chắn, vững chãi mang thông điệp chúc phúc cho cặp đôi có cuộc hôn nhân luôn bền vững. Dù đa dạng với nhiều kiểu cách bày biện và trang trí nhưng mâm quả cưới vẫn đủ các tráp: cau trầu; rượu, kẹo, thuốc lá; bánh phu thê; rồng phượng hoa quả; heo quay… Để đảm bảo chất lượng các loại thực phẩm dùng kết mâm quả, chị Liên đều tự tay làm bánh phu thê, bánh kem, đồ xôi.

Chị Võ Thị Liên tạo hình mâm quả.
Chị Võ Thị Liên tạo hình mâm quả.
Bằng sự sáng tạo, khéo léo của mình, chị Liên đã “thổi hồn” cho hoa trái thành những mâm quả cưới đẹp mắt, cầu kỳ và công phu, giúp những ngày vui của đôi lứa thêm phần trang trọng và ý nghĩa.

Với quan niệm “miếng trầu là đầu câu chuyện” nên trầu cau là một trong những mâm lễ vật được chú trọng nhiều nhất. Chị Liên chia sẻ: “Thông thường mâm cau trầu phải đủ 105 trái cau; trầu têm cánh phượng đi kèm với quan niệm con số 105 thay lời chúc phúc cho tân lang, tân nương sống “trăm năm hạnh phúc”. Vì vậy trầu lựa từng lá, cau chọn từng đôi kỹ lưỡng, không tỳ vết, ôi úng, kích cỡ từng đôi phải đồng đều như nhau”.

Kết mâm quả, rồng phụng là “nghề lắm công phu”, đòi hỏi người làm nghề có hoa tay, sáng tạo. Mỗi cặp rồng phụng phải phô diễn được vẻ đẹp, sự uy nghi nhưng vẫn mềm mại, cuốn hút với dáng uốn xoắn ở rồng, cách vung cánh, móng ở phụng tạo sự hài hòa cho mâm quả. Tỉ mỉ tỉa từng cọng lá, cắm thật chuẩn trên mâm đồ lễ, chị Liên tâm sự: “Để giao mâm quả đúng hẹn, tôi phải làm việc liên tục trong một ngày, sáng dậy thật sớm ra chợ lựa từng trái ớt, trái khóm..., có vậy mới cho ra được sản phẩm hoàn hảo”.

Qua bàn tay của chị Liên, những chiếc bánh, hoa trái, cau trầu trở thành những tác phẩm nghệ thuật sống động: mâm trái cây rồng, phụng; mâm bánh phu thê hình đôi trái tim hạnh phúc; tháp trầu cau tươi xanh với những lá trầu, trái cau luôn kề cận, quyện vào nhau, tượng trưng cho sự gắn kết… Để ngày vui của khách hàng trọn vẹn, viên mãn, chị Liên luôn chú trọng, tỉ mỉ vào từng phần lễ vật với lòng yêu nghề, sự say mê. Tùy điều kiện và yêu cầu của khách hàng, giá mỗi bộ mâm quả dao động 2 - 7 triệu đồng.

Vào “mùa cưới” từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau là thời điểm chị Liên luôn tất bật với công việc. “Nhiều khi sưng rộp cả tay nhưng tôi vẫn mày mò tìm hiểu, nghiên cứu, sáng tạo những sản phẩm đẹp mắt hơn. Tuy vất vả nhưng tôi rất vui vì được sống hết mình với đam mê” - chị Liên bộc bạch. Hiện cửa tiệm dịch vụ kết mâm quả cưới của chị Liên tạo việc làm cho 6 lao động, đã dạy nghề cho hơn 60 học viên.

Thùy Linh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.