An toàn sức khỏe: Lời giải từ không gian đô thị?
Dịch bệnh lan tràn toàn cầu, nhiễm bệnh lây lan theo mùa trong cộng đồng người dân cư… là những vấn đề đang ngày càng nóng bỏng đối với các đô thị. TP. Buôn Ma Thuột cũng không nằm ngoài hiện trạng đó, rất cần giải pháp bảo đảm an toàn cho sức khỏe cư dân đô thị.
Theo thống kê của Sở Y tế Đắk Lắk, tính đến ngày 10-4-2021, toàn tỉnh ghi nhận 341 trường hợp bệnh nhi mắc bệnh tay chân miệng, tăng gấp 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2020. Đây lại chỉ là một bệnh trạng điển hình trong rất nhiều bệnh tình lây nhiễm giữa cộng đồng xã hội, một thực trạng rất cần có sự giải đáp từ các cơ quan chuyên môn, để Buôn Ma Thuột thực sự là mảnh đất an cư cho mọi người dân thành phố.
Đừng quá chủ quan
“Không nên chủ quan” là lời khuyên của một cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) khi được hỏi về môi trường đô thị Buôn Ma Thuột, so sánh hiện trạng đô thị Buôn Ma Thuột và các thành phố lớn. Dĩ nhiên ai cũng đồng ý rằng thành phố cao nguyên có điều kiện môi trường tự nhiên tốt hơn rất nhiều so với hai đô thị lớn ở hai đầu đất nước. Thậm chí nếu căn cứ vào các chỉ số đo mức độ ô nhiễm bụi mịn, khí CO2 tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, không khí ở Buôn Ma Thuột chắc chắn an toàn hơn nhiều. Buôn Ma Thuột là thành phố có lợi thế không khí cao nguyên, mát mẻ, ấm nóng đều có sự cân bằng, độ ẩm trong không khí luôn vừa phải.
Song, theo lời giới chuyên môn, với tốc độ đô thị hóa vừa qua, một lượng lớn cây xanh ở TP. Buôn Ma Thuột đã bị giảm và tỷ lệ phân bổ cây xanh chưa theo kịp việc mở rộng diện tích đô thị. Lượng khí thải trong thành phố cũng ngày một tăng và xấu đi, nhất là các nguồn khí thải từ máy điều hòa, xe máy, máy móc công nghiệp khác… Quan trọng nhất là trong sinh hoạt, cộng đồng cư dân ngày càng ít quan tâm đến những yếu tố an toàn môi sinh, sử dụng bừa bãi nhiều loại hóa chất, chất tẩy rửa, dung dịch, rác thải và cả thói quen giao tiếp ít đề phòng. Theo dõi tại một phòng khám đa khoa cho thấy, tỷ lệ người đến khám rửa tay trước khi vào và khi bước ra còn thấp, và đa số người khám bệnh xong sẽ không rửa tay trước khi bước ra đường.
Bởi những biểu hiện đó, giới chuyên môn cho rằng, chớ chủ quan đánh giá không gian sống và điều kiện sinh hoạt của người dân Buôn Ma Thuột là an toàn sức khỏe. Cần có những đánh giá nghiêm túc hơn từ giới chức chuyên môn và chính thái độ của người dân mới hạn chế được tình trạng và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh y tế trong cộng đồng người dân, trước tình trạng dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.
Phát triển đô thị Buôn Ma Thuột cần quan tâm xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ảnh: Hoàng Gia |
Buôn Ma Thuột với định hướng là thành phố xanh có vành đai xanh bao quanh, vừa gắn với các kiến trúc đô thị mới, hài hòa, xanh - sạch - đẹp, vừa lồng ghép được với các hiện trạng kiến trúc thôn, buôn, văn hóa truyền thống; hạn chế đến mức thấp nhất can thiệp của các công trình xây dựng vào cảnh quan thiên nhiên.
|
Cần thêm những không gian sống!
Một cảnh báo được chính quyền tỉnh Đắk Lắk đưa ra từ lâu và cho đến nay vẫn hiệu quả là quy hoạch định hướng, đầu tư các không gian đô thị, không gian sống ngày một xanh và an toàn hơn.
Đối với không gian hiện hữu của đô thị Buôn Ma Thuột, ở các khu vực dân cư trung tâm, các khu vực vùng ven gắn với thôn xóm, trang trại canh tác nông nghiệp…, địa phương đang tích cực kiểm soát môi trường sản xuất tự nhiên, ngăn chặn và vận động chấm dứt dùng thuốc, hóa chất trong sản xuất, bảo quản chế biến hàng hóa, lương thực phẩm, nông sản, ngăn ngừa tình trạng rác thải công nghiệp trên ruộng rẫy. Hiện trạng khai thác sử dụng đất bừa bãi, tự phân lô bố trí nhà ở xen kẽ vùng trồng trọt mà không bảo đảm các điều kiện cách ly môi trường, thu gom rác sinh hoạt… cũng được chính quyền lưu tâm. Công tác vận động phòng ngừa dịch bệnh, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, đã được cải thiện rất nhiều. Tất cả đang từ từ điều chỉnh dần hiện trạng y tế bị thả nổi trong cộng đồng dân cư nội thị TP. Buôn Ma Thuột.
Đối với các không gian mở mới, vùng phát triển quy hoạch đô thị tương lai, trong bản đồ định hướng của các cơ quan chức năng, yêu cầu các “mảng xanh” vẫn là tiêu chí quan trọng nhất. Đơn cử không gian sống tại các khu đô thị mới Ân Phú, Eco City…, tỷ lệ xây dựng công trình chỉ chiếm chưa tới 45%, tỷ lệ và mật độ cây xanh tại chỗ lại được nâng cao hơn mức hiện hữu trong nội thị thành phố. Tại các đô thị mới này, yêu cầu về các không gian sinh hoạt, tiện ích công cộng cũng được các chủ đầu tư áp dụng nghiêm túc. Mới đây nhất, khu đô thị Ân Phú đã công bố đầu tư hẳn một khu thể thao cộng đồng cho cư dân đô thị sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe thường xuyên, đặt giữa công viên lớn, tạo những giá trị mới về định hướng đầu tư, cải thiện cuộc sống người dân Buôn Ma Thuột từ chính góc độ an toàn sức khỏe hàng đầu.
Nguyên Đức
Ý kiến bạn đọc