Krông Bông nỗ lực xóa cầu tạm ở vùng sâu, vùng xa
Huyện Krông Bông đã và đang nỗ lực huy động nhiều nguồn vốn để xóa những cây cầu tạm tại nhiều thôn, buôn thuộc các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn.
Những ngày gần đây, người dân ở hai thôn Noh Prông và Ea Khiêm (xã Hòa Phong) khẩn trương khắc phục lại chiếc cầu tạm mới bị sập do xe có tải trọng lớn đi qua hồi đầu tháng 4 vừa qua để vận chuyển nông sản.
Cầu treo dân sinh Noh Prông (xã Hòa Phong) được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2017. |
Sở Giao thông vận tải cho biết, trên địa bàn tỉnh có 30 cầu treo, trong đó huyện Krông Bông có số lượng cầu treo nhiều nhất với 11 cầu. Những cây cầu treo thay thế cho cầu tạm đã phần nào đáp ứng nhu cầu lưu thông và bảo đảm an toàn cho người dân địa phương.
|
Ông Đào Văn Khài, phó thôn Noh Prông cho biết, thôn Noh Prông và Ea Khiêm có hơn 500 hộ dân sinh sống. Sau nhiều năm phải đi cầu tạm qua sông Krông Bông mới ra được trung tâm xã thì đầu năm 2017 cầu treo dân sinh Noh Prông nối thôn 1 với thôn Noh Prông được bàn giao và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, kết cấu cầu dân sinh Noh Prông là cầu treo dây võng, chiều dài 120 m, rộng 2,7 m chỉ cho phép trọng tải tối đa là 2,2 tấn, xe tải không đi qua được. Trong khi đó nhu cầu vận chuyển nông sản của bà con vào mùa thu hoạch khoảng 200 tấn/ngày nên người dân tiếp tục góp tiền làm lại cầu tạm dưới chân cầu treo dân sinh Noh Prông để vận chuyển nông sản.
Ông Nguyễn Nguyên Đồng, Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho hay, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thôn Ea Khiêm và Noh Prông nhiều lần phản ánh, đề xuất xây dựng một cây cầu kiên cố để vận chuyển nông sản nhưng chưa thể giải quyết được. Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm thông tin thêm, trên địa bàn xã có hai cây cầu treo và vẫn còn hai cây cầu tạm người dân tự làm để bắc qua suối ở thôn Ea Rớt. Những cây cầu tạm này liên tục bị trôi trong mùa mưa lũ nên người dân tốn khá nhiều công sức, tiền của để làm lại. Đối với các cây cầu treo, tuy vẫn đáp ứng được nhu cầu đi lại nhưng lưu lượng khá lớn, khoảng 2.000 hộ dân của 6 thôn người Mông cùng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nên nhiều khi vẫn chưa bảo đảm.
Cầu sắt vào thôn Ea Bar (xã Cư Pui) đã được bố trí vốn để làm cầu bê tông. |
Được biết, thời gian qua, các sở, ngành và địa phương đã nỗ lực huy động các nguồn vốn để xóa những cây cầu tạm và kiên cố cầu treo phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân các thôn, buôn vùng sâu trên địa bàn huyện Krông Bông, đặc biệt là vùng dân di cư tự do sinh sống. Gần đây nhất, Sở Giao thông vận tải đã bố trí vốn để làm cầu sắt vào thôn Ea Bar (xã Cư Pui) để thay thế cho cây cầu tạm đã bị cuốn trôi vào mùa mưa vừa qua. Đối với hai cây cầu tạm ở thôn Ea Rớt, lãnh đạo chính quyền xã đã tích cực đề xuất, kiến nghị cấp trên để từng bước xóa cầu tạm, đảm bảo an toàn cho người dân. Nhờ đó đến nay, trong số hai cây cầu tạm ở thôn Ea Rớt đã có một cây cầu được bố trí vốn từ Dự án ổn định dân di cư tự do để làm, một cây cầu còn lại đang đợi tỉnh phê duyệt, bố trí vốn.
Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, hiện nay trên địa bàn huyện đã cơ bản xóa được cầu tạm. Sắp tới, tỉnh sẽ bố trí gần 170 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cầu bê tông thôn Ea Lang (xã Cư Pui) và cầu thôn Ea Bar (xã Cư Pui) đi xã Cư Drăm. Việc đầu tư xây dựng hai cây cầu này sẽ giải quyết được vấn đề vận chuyển hàng hóa cho các thôn người Mông của xã Cư Pui và Cư Drăm. Đối với cầu tạm người dân tự làm ở thôn Noh Prông và Ea Khiêm (xã Hòa Phong) do cầu treo mới được đầu tư và đưa vào sử dụng được vài năm nên việc bố trí kinh phí để làm cầu kiên cố vận chuyển hàng hóa là điều rất khó do nguồn vốn Nhà nước hạn chế. Vì vậy, chính quyền địa phương và người dân nơi có các cây cầu treo nên quản lý, vận hành và khai thác hợp lý để vừa đáp ứng được nhu cầu, vừa bảo đảm an toàn..
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc