Multimedia Đọc Báo in

Phụ nữ xã Ea Nuôl gìn giữ nghề dệt truyền thống

14:37, 28/04/2021

Để gìn giữ nghề dệt truyền thống trước ảnh hưởng của đời sống hiện đại, nhiều phụ nữ ở xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) đã nỗ lực truyền dạy, khơi gợi niềm đam mê nghề cho giới trẻ, góp phần phát huy văn hóa đặc sắc của dân tộc mình.

Bà H’ Buăt Niê là một trong nhiều người có tay nghề dệt giỏi ở buôn Ko Đung B. Dù đã 75 tuổi, hằng ngày bà vẫn cần mẫn bên khung cửi, tự tay dệt những tấm vải thổ cẩm với hoa văn, màu sắc độc đáo để tặng cho con cháu. Những chiếc chăn, khăn địu, quần áo truyền thống thân thuộc với bà từ nhỏ nhưng mãi đến năm 65 tuổi bà H’ Buăt mới biết cách dệt và tự tay tạo ra những sản phẩm cho riêng mình.

Ban đầu, bà làm một khung dệt nhỏ, với 5 thanh tre dài từ 40 - 80 cm để tập dệt. Khi tay nghề đã thuần thục, bà dệt được chăn, váy, áo truyền thống…, có những họa tiết, hoa văn kích thước lớn, phức tạp được dệt với 130 sợi chỉ, sợi len. Dệt thổ cẩm là thước đo sự khéo léo của người con gái Êđê, nên bà H’Buăt luôn mong muốn truyền lại cho con gái để gìn giữ nghề dệt.

Không phụ lòng bà H’ Buăt, chị H’Niăk Niê (SN 1994) - con gái út của bà đã biết dệt vải. “Sau khi tham gia lớp học nghề dệt thổ cẩm ở địa phương, cùng sự chỉ dạy của mẹ, mình đã có thể  dệt được áo, váy truyền thống và có thể cách tân theo ý mình muốn để mặc vào dịp lễ hội”, chị H’Niăk tâm sự.

Chị H’Niăk Niê tỉ mẫn dệt chăn.
Chị H’Niăk Niê tỉ mẫn dệt chăn.
"Nhu cầu học nghề dệt của chị em phụ nữ tăng, hiện có khoảng 40 hội viên đăng ký học, tuy nhiên việc bố trí địa điểm học và kinh phí hỗ trợ, mua dụng cụ cho học viên gặp nhiều khó khăn. Hội LHPN xã mong muốn nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ các cấp, ngành để duy trì nghề truyền thống ở địa phương”.
Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Nuôl   Đinh Thị Thúy Lăng

Cũng như chị H’Niăk, nhờ tham gia lớp dạy nghề dệt ở xã và học hỏi thêm kinh nghiệm từ các nghệ nhân trong buôn Ko Đung B, đến nay chị H’Nghiêm Niê (SN 1990) đã dệt thành thạo. Ban ngày bận lên nương rẫy, tối về chị tranh thủ dệt vải. Nhờ kiên trì, chăm chỉ, chị đã làm ra nhiều bộ áo, váy truyền thống phục vụ nhu cầu gia đình mình. Đặc biệt trên những chiếc áo, váy đều được chị tỉ mỉ làm kteh (móc, đan viền dưới tà áo, váy).

 

"Làm kteh cũng phải phù hợp với lứa tuổi. Đối với trẻ em thì làm viền nhỏ, đơn giản hơn dùng khoảng 11 - 15 sợi chỉ, nếu làm viền tà trước và tà sau áo phải mất 1 – 2 tuần mới hoàn thành. Với người lớn, phải sử dụng từ 30 sợ chỉ trở lên, mất từ 2 – 3 tuần. Khâu này làm rất khó và tốn nhiều thời gian, kteh bảng càng to, hoa văn đặc sắc, càng thể hiện được sự cao quý, là người có địa vị trong xã hội", chị H’Nghiêm cho hay.

Những chiếc chăn thổ cẩm do bà H'Buăt Niê (bìa trái) dệt.
Những chiếc chăn thổ cẩm do bà H'Buăt Niê (bìa trái) dệt.

Bà Đinh Thị Thúy Lăng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Nuôl cho biết, xã có 7 buôn, những năm trước chỉ có khoảng 10 người lớn tuổi còn giữ thói quen dệt vải. Để giúp phụ nữ trẻ đam mê với nghề dệt truyền thống của dân tộc, năm 2019 Hội LHPN xã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh mở lớp dạy nghề dệt cho 35 học viên (từ 22 – 35 tuổi) theo Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”.

Sau 3 tháng học, các học viên đã có thể dệt thành thạo và chủ động học hỏi, nghiên cứu cho ra nhiều mẫu mã, họa tiết, hoa văn phù hợp với đời sống hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống, được nhiều người ưa thích.

Nhờ đó, ngoài tự trang bị cho bản thân những sản phẩm dệt làm của hồi môn, mặc trong lễ hội, nhiều phụ nữ Êđê trong xã còn tăng thêm thu nhập từ nghề dệt truyền thống. Các sản phẩm dệt truyền thống được Hội LHPN xã trưng bày, giới thiệu tại Ngày hội Khởi nghiệp do Hội LHPN huyện, tỉnh tổ chức.

Hội còn vận động hội viên mặc trang phục của dân tộc mình trong các lễ hội, hội nghị… của địa phương; đồng thời chủ động dệt sẵn các sản phẩm để cung cấp cho khách hàng. Đầu năm 2021, Hội đã làm đề án Khởi nghiệp từ nghề dệt trình Hội LHPN cấp trên để có phương hướng hỗ trợ và phát triển nghề dệt tại địa phương.

Phương Thảo

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.