Multimedia Đọc Báo in

Xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột): Nâng cao chất lượng công tác hòa giải

08:06, 07/04/2021

Bằng những cách làm linh hoạt, công tác “dân vận khéo” trong hoạt động hòa giải ở xã Hòa Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn nảy sinh từ cơ sở, giữ gìn tình đoàn kết, từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Xã Hòa Xuân hiện có 8 tổ hòa giải tại 8 thôn, buôn, mỗi tổ có từ 5 - 7 thành viên. Thành viên các tổ hòa giải đều là những người có uy tín trong cộng đồng, được người dân bầu chọn, gồm: bí thư chi bộ, đại diện ban công tác Mặt trận, trưởng thôn, buôn, các chi hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên, người cao tuổi...

Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Thuận, các thành viên của tổ hòa giải không chỉ gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định và pháp luật mà còn nắm chắc kiến thức pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nhờ vậy, họ đã khéo léo can thiệp, khuyên giải kịp thời, thỏa đáng những mâu thuẫn, tranh chấp trong dân. Những năm gần đây, xã Hòa Xuân không có trường hợp khiếu kiện đơn thư vượt cấp, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn ổn định.

Ông Y Tuyên Bkrông, Trưởng buôn Drai H’ling (bìa trái) thăm hỏi đời sống người dân trong buôn.
Ông Y Tuyên Bkrông, Trưởng buôn Drai H’ling (bìa trái) thăm hỏi đời sống người dân trong buôn.

Buôn Drai H’ling (xã Hòa Xuân) có 175 hộ dân, hầu hết đều là người dân tộc Êđê. Nhìn chung, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn cơ bản ổn định, song thỉnh thoảng vẫn có những mâu thuẫn phát sinh giữa vợ chồng, hàng xóm vì chuyện nhỏ nhặt... Với sự vào cuộc của tổ hòa giải buôn, nhiều vụ việc được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý. Ông Y Tuyên Bkrông, Trưởng buôn Drai H’ling kể: Mới đây, trong buôn có trường hợp vợ chồng chị H. do mâu thuẫn mà đòi ly dị nhau. Các thành viên tổ hòa giải đã đến tận nhà gặp gỡ hai vợ chồng, nắm rõ lý do dẫn đến bất hòa là chồng thường xuyên uống rượu say về đánh vợ con. Ngược lại, chị H. thì hay chửi mắng chồng khiến anh cảm thấy chán nản. Lúc đầu hòa giải, chồng chị H. kịch liệt phản đối, cho rằng đây là chuyện riêng của gia đình, không muốn cộng đồng biết. Tuy nhiên, nhờ được phân tích thấu tình, đạt lý, những điều hay lẽ phải thì vợ chồng chị H. đã có sự cảm thông, chia sẻ công việc gia đình với nhau. Chị H. không mắng chửi chồng nữa và chồng chị không còn uống rượu say, cùng vợ vun vén hạnh phúc gia đình…

“Hòa giải thành, không có kẻ thắng, người thua mà thông qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân; hàn gắn và vun đắp tình đoàn kết trong cộng đồng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư...”.
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Xuân Nguyễn Đức Thuận

Theo ông Y Tuyên, muốn công tác hòa giải được hiệu quả, mỗi thành viên trong tổ thường xuyên tìm hiểu về pháp luật, nhất là liên quan đến các sự việc thường gặp như: Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai... để có kiến thức tuyên truyền, giải thích cho người dân. Ngoài ra, tổ hòa giải còn mời cán bộ tư pháp xã về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân thông qua các buổi họp, giao lưu văn hóa - văn nghệ của buôn…

Bên cạnh những vụ việc được tổ hòa giải thôn, buôn xử lý dứt điểm thì cũng có trường hợp phải lên đến cấp xã mới hòa giải thành. Cụ thể, năm 2020, UBND xã Hòa Xuân nhận được đơn của bà H’Drin Niê (trú buôn Buôr) khiếu nại gia đình chị gái H’Klin Niê (ở cùng buôn) chiếm 1.000 m2 đất sản xuất của mình. Nhận thấy vụ việc phức tạp, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức họp, mời tổ hòa giải, ban tự quản, chi bộ buôn cùng đối thoại trực tiếp với hai bên gia đình. Trong quá trình giải quyết vụ việc, từ việc xác minh làm rõ tính pháp lý về thửa đất cùng với việc khuyên giải về tình cảm chị em nên bà H’Drin đã hiểu và rút đơn khiếu nại, xin lỗi chị gái. Còn bà H’Klin cũng không còn giận em mà vẫn chia đất để cùng làm ăn.

Đánh giá về hoạt động hòa giải ở địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Đức Thuận cho rằng, để có được kết quả trên, Đảng ủy, UBND đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tư pháp xã phối hợp với Mặt trận và các hội, đoàn thể thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình hoạt động hòa giải ở cơ sở để kịp thời có hỗ trợ cần thiết. Hằng năm, xã cũng lấy kết quả công tác hòa giải làm cơ sở chấm thi đua của thôn, buôn. Mặt khác, xã cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan, ban ngành liên quan của tỉnh, thành phố tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên. Qua đó, chất lượng hoạt động hòa giải được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành công ngày càng cao.

Lê Thành

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.