Multimedia Đọc Báo in

Bất an... an toàn hồ bơi (Kỳ 1)

08:28, 11/05/2021

Những ngày gần đây, vụ việc một học sinh lớp 2 bị đuối nước ngay trong một hồ bơi ở TP. Buôn Ma Thuột khiến nhiều người bàng hoàng, thương cảm; đau xót hơn khi đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ tương tự. Sự việc này lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý an toàn ở các bể bơi trên địa bàn.

Kỳ 1: Lỏng lẻo tiêu chuẩn an toàn

Nhằm đáp ứng nhu cầu trang bị kỹ năng bơi lội, phòng tránh đuối nước và vui chơi cho người dân, đặc biệt là trẻ em, những năm gần đây, nhiều trường học, doanh nghiệp và hộ kinh doanh đã đầu tư xây dựng hệ thống các hồ bơi dịch vụ. Tuy nhiên, vấn đề quản lý hoạt động tại những hồ bơi này vẫn có nhiều điều đáng lưu tâm.

Phát triển dịch vụ hồ bơi

Phong trào luyện tập bơi lội trên địa bàn tỉnh thời gian gần đây khá phát triển. Sau khi UBND tỉnh ban hành Quyết định số 453/QĐ-UBND 28-2-2017 về phê duyệt chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2017 - 2020, các ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các hồ bơi để đáp ứng nhu cầu dạy bơi cho trẻ em. Đơn cử như năm 2017 và 2018, Sở Giáo dục và Đào tạo đã cấp 38 hồ bơi thông minh cho các trường tiểu học, THCS và THPT; năm 2018, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT và DL) cấp 10 hồ bơi thông minh cho 10 huyện…

Khá đông trẻ em và người lớn tham gia bơi lội tại một hồ bơi trên đường Giải Phóng (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) vào mùa hè.
Khá đông trẻ em và người lớn tham gia bơi lội tại một hồ bơi trên đường Giải Phóng (phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) vào mùa hè.

Song song đó, nhiều hộ kinh doanh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học nhằm tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và vui chơi, giải trí. Đơn cử như hộ ông Ksor Sênat (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột), năm 2018 đã đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hai hồ bơi phục vụ nhu cầu của các phụ huynh và học sinh với giá mỗi lượt bơi 10.000 đồng. Hay như các hồ bơi mới được đưa vào sử dụng trong những năm gần đây như hồ Giọt Nắng (phường Tân Thành), hồ Thành Đạt (phường Ea Tam), hồ Tiến Dũng (xã Hòa Thuận)…

Theo ông Võ Đình Đoài, Trưởng phòng Quản lý Thể dục thể thao – Sở VH-TT và DL, trên địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, thác nước tự nhiên và hàng nghìn hồ, đập, giếng nước do người dân đào, đắp để giữ nước phục vụ tưới tiêu, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn thì sự ra đời của các hồ bơi tư nhân góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là thanh thiếu nhi được học bơi, trang bị các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, giảm thiểu đáng kể các vụ đuối nước.

An toàn hồ bơi… đã an toàn?

Theo Thông tư 03/2018/TT-BVHTTDL, ngày 19-1-2018 của Bộ VH-TT và DL quy định về cơ sở vật chất, trang thiết bị và tập huấn nhân viên chuyên môn đối với môn bơi, lặn: hồ bơi được xây dựng, hoặc lắp đặt có kích thước không nhỏ hơn 6 m x 12 m hoặc có diện tích tương đương; có dây phao được căng để phân chia các khu vực của hồ; mỗi hồ bơi phải trang bị ít nhất 6 sào cứu hộ, độ dài 2,5 m, được sơn màu đỏ - trắng và 6 phao cứu sinh đặt trên thành hồ, các vị trí thuận lợi, dễ quan sát và sử dụng; có nhân viên cứu hộ thường trực, số lượng bảo đảm ít nhất 1 nhân viên/200m² mặt nước hồ bơi, trường hợp có đông người tham gia tập luyện bảo đảm ít nhất 1 nhân viên/50 người bơi trong cùng thời điểm…

Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 50 hồ bơi thuộc gia đình quản lý và 10 hồ bơi của các doanh nghiệp, cơ sở, điểm kinh doanh khách sạn, du lịch đang hoạt động. Trong đó, chỉ có 8 hồ bơi của doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận về hoạt động bơi lội.

Tuy nhiên, trên thực tế có không ít hồ bơi chưa bảo đảm các yêu cầu an toàn cần thiết. Qua khảo sát ở một số cơ sở kinh doanh dịch vụ này trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột – địa phương có số lượng hồ bơi nhiều nhất tỉnh cho thấy khá nhiều cơ sở không trang bị dụng cụ phao cứu sinh đúng quy định, không có nhân viên cứu hộ thường trực tại khu vực bơi; không có hợp đồng với nhân viên y tế…

Đến hồ bơi C.N (phường Tự An) vào những ngày cuối tháng 4-2021, chúng tôi thấy tại đây có 2 hồ bơi, trong đó hồ lớn có mực nước ở vị trí sâu nhất là 2,6 m nhưng trên thành hồ không hề có chiếc phao cứu sinh nào; các sào cứu hộ tuy có nhưng không được sơn màu đỏ - trắng và không đạt độ dài theo tiêu chuẩn để dễ nhận thấy khi có sự cố xảy ra. Đặc biệt, theo quy định ở hồ bơi có độ sâu từ 1,4 m trở lên phải bố trí dây phao dọc nhằm bảo đảm an toàn cho người học bơi, nhưng cũng không được hộ kinh doanh trang bị. Khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Buôn Ma Thuột đến kiểm tra đột xuất, ngoài các vi phạm nêu trên, chủ hồ bơi cũng không xuất trình được Giấy chứng nhận an toàn về nguồn nước, không có hợp đồng với nhân viên y tế… Được biết, vào cao điểm mùa nắng nóng, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, hồ bơi này đón hàng trăm lượt người dân gồm cả người lớn và trẻ em đến học bơi, giải trí. Chị N.T.H (phường Tân Thành) cho hay, cuối tuần vợ chồng chị thường đưa con đến hồ bơi này nhưng ít khi thấy phao cứu sinh trên thành bể. Vì vậy, để bảo đảm an toàn cho con trong quá trình bơi lội, chị phải thuê một chiếc phao với giá 10.000 đồng/lần.

Hồ bơi C.N (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) có đông khách bơi nhưng không có chiếc phao cứu sinh  nào trên thành hồ hay khu vực xung quanh.
Hồ bơi C.N (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) có đông khách bơi nhưng không có chiếc phao cứu sinh nào trên thành hồ hay khu vực xung quanh.

Tương tự, tại hồ bơi L.K (phường Ea Tam) cũng có 2 hồ, nhưng không hề có chiếc phao cứu sinh nào; không có sào cứu hộ đặt ở vị trí dễ nhìn thấy theo quy định. Ghi nhận vào chiều 29-4, khi đoàn kiểm tra liên ngành của TP. Buôn Ma Thuột đến kiểm tra đột xuất, tại đây có khá đông trẻ em bơi lội nhưng không hề có nhân viên cứu hộ, nhân viên y tế thường trực, chỉ có 1 người quản lý, chủ yếu để làm dịch vụ cho thuê phao, bán nước uống và đồ ăn vặt… Sau khi liên hệ, phải hơn 30 phút sau chủ hồ bơi, cũng là nhân viên cứu hộ (có Giấy chứng nhận về bơi lội) mới có mặt. Không chỉ thế, hồ bơi cũng không tuân thủ các quy định về Giấy chứng nhận an toàn nguồn nước, hợp đồng với nhân viên y tế, trang bị tủ thuốc y tế.

(Còn nữa)

Kỳ 2: Nâng cao nhận thức về an toàn bơi lội

Hoàng Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.