Multimedia Đọc Báo in

Chiếc ví bị đánh rơi và câu chuyện đạo đức người tài xế

06:10, 03/05/2021

Sau hơn 10 ngày, chiếc ví với nhiều loại giấy tờ tùy thân quan trọng mới trở về với người đánh mất. Nhận lại được tài sản nhưng mất đi niềm tin khiến chủ nhân buồn nhiều hơn vui.

Đó là câu chuyện của chị D. (trú  phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột). Cách đây hơn nửa tháng (khoảng 20 giờ tối 11-4-2021), chồng chị gọi Grab taxi để vợ chồng chị đi trong khu vực nội thành Buôn Ma Thuột. Sau khoảng mấy phút thì tài xế của một hãng taxi tư nhân (đóng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột) đến đón.

Khi lên xe chị có mang theo túi xách, ví cầm tay đựng nhiều giấy tờ tùy thân và một ít tiền mặt. Do công việc nhiều, đến trưa 12-4, chị mới nhớ và đi tìm chiếc ví nhưng không thấy đâu. Sau khi tìm kiếm khắp các địa điểm đã đi và đến, lục tung hết các kệ tủ trong nhà cũng không thấy, chị đoán khả năng cao nhất là để quên trên chiếc taxi đã đi vào tối 11-4. Chồng chị đã gọi điện liên hệ với tài xế nhưng được trả lời là không thấy. Vẫn không yên tâm nên cả hai nhờ anh tài xế nọ chịu khó kiểm tra ở ghế hoặc gầm xe, nếu tìm được sẽ hậu tạ. Những ngày sau đó, không thấy tài xế hồi âm, vợ chồng chị tiếp tục gọi điện thì tài xế không nghe máy. Sau đó chị thử dùng một số điện thoại lạ gọi đến thì đầu dây của anh tài xế này nhấc máy. Nghi ngờ chiếc ví không thể rơi bên ngoài nên chị nhờ một người bạn cũng là lái xe của hãng taxi nọ thử liên hệ, hỏi dò thông tin.

May mắn, vào sáng 22-4, người bạn gọi điện thoại báo tin đã tìm thấy chiếc ví, với đầy đủ giấy tờ, nhưng số tiền mặt không còn. Điều đáng nói ở đây, chiếc ví được người bạn nhận từ chính tài xế đã chở vợ chồng chị vào tối 11-4. Chị D. vui bởi đã nhận lại được các giấy tờ quan trọng sau hơn 10 ngày bị mất, nhưng cũng buồn vì không ngờ chính tài xế nọ lại là người cầm giữ chiếc ví trong khoảng thời gian đó, nhưng không hề báo với vợ chồng chị.

Với một tài xế, đặc biệt là tài xế chở khách, ngoài việc chấp hành đúng các quy định khi tham gia giao thông để bảo đảm an toàn cho chính mình và những người xung quanh thì đạo đức lái xe luôn phải được đề cao. Thực tế, những hành động đẹp của nhiều lái xe trên phạm vi cả nước nói chung, tại Đắk Lắk nói riêng đã được ghi nhận, có sức lan tỏa.  Đơn cử như việc tài xế của Hãng Taxi Mai Linh tại Đắk Lắk đã đỡ đẻ cho khoảng 7 trường hợp chuyển dạ khi đang di chuyển trên xe. Hay vào giữa tháng 6-2020, tài xế Phạm Văn Sỹ cũng của Hãng Taxi Mai Linh tại Đắk Lắk đã nhặt được chiếc túi bên đường với số tiền mặt và tài sản gần 200 triệu đồng, ngay sau đó anh đã tìm cách để trả lại toàn bộ tài sản cho người đánh rơi. Anh Sỹ đã được UBND tỉnh tặng Bằng khen biểu dương hành động đẹp, nghĩa cử cao quý.

Trở lại câu chuyện của người tài xế nhặt được chiếc ví nêu trên, dẫu biết rằng đó chỉ trường hợp cá biệt, nhưng cách hành xử đáng trách như vậy vô tình làm mất niềm tin của người đi xe không chỉ đối với riêng anh ta mà ảnh hưởng đến cả những người theo nghiệp lái xe và uy tín của doanh nghiệp taxi..

Hoàng Tuyết

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.