Multimedia Đọc Báo in

"Giải cứu" nông sản bị ảnh hưởng do dịch COVID-19

08:12, 31/05/2021

Những ngày này, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Cư M’gar đã và đang vào cuộc giúp nông dân huyện Ea Kar và tỉnh Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm hành tím và bí đỏ bị tồn đọng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Chỉ sau hai ngày đứng ra kêu gọi, Hội Nông dân xã Ea Kpam đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương vận động các cán bộ, công chức và người dân trên địa bàn giải cứu được 737 kg nông sản cho nông dân huyện Ea Kar và tỉnh Sóc Trăng, trong đó có 521 kg bí đỏ và 216 kg hành tím, với tổng trị giá gần 6,7 triệu đồng. Riêng các cán bộ, công chức của xã nhận giải cứu 140 kg hành tím và bí đỏ… Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Kpam cho biết: “Nhìn chung, người dân rất hưởng ứng hành động “giải cứu” nông sản ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, đặc biệt có những hộ ở sát chợ nhưng vẫn đến để mua ủng hộ. Bình quân, mỗi hộ mua ít cũng 1 - 5 kg các loại, đặc biệt có những hộ mua đến cả chục ký về ăn dần, chia, biếu cho anh em, bạn bè…”.

Buộc xong 5 kg hành tím, 15 kg bí đỏ vừa mua lên xe, chị Nguyễn Thị Minh, thôn 7, xã Ea Kpam vui vẻ nói: “Nhu cầu thực phẩm thì gia đình nào cũng cần, mua ở đâu cũng là mua hết nhưng quan trọng là mình mua ở đây với tinh thần giúp đỡ nhau, giúp bà con nông dân tiêu thụ sản phẩm được nhanh hơn, hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện, xã tiếp tục kêu gọi thì gia đình vẫn sẽ ủng hộ…”.

Người dân mua bí đỏ, hành tím ủng hộ nông dân huyện Ea Kar và tỉnh Sóc Trăng.
Người dân mua bí đỏ, hành tím ủng hộ nông dân huyện Ea Kar và tỉnh Sóc Trăng.

Những ngày này, bằng nhiều hình thức khác nhau, Hội Nông dân xã Quảng Tiến cũng đã vận động, kêu gọi cộng đồng trên địa bàn xã cùng chung tay “giải cứu” được 110 kg bí đỏ, hành tím cho nông dân ở huyện Ea Kar và tỉnh Sóc Trăng.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Ea Kar còn hơn 1.000 tấn bí đỏ và nông dân tỉnh Sóc Trăng tồn đọng hơn 20.000 tấn hành tím. Người dân rơi vào cảnh khó khăn vì nông sản đến thời điểm thu hoạch, nếu không được tiêu thụ kịp thời sẽ gây hư hỏng, thiệt hại kinh tế rất lớn cho nông dân…

Hưởng ứng lời kêu gọi của Hội Nông dân tỉnh, các cấp hội nông dân trong huyện chủ động phối hợp với các tổ chức đoàn thể, mặt trận trên địa bàn phát động toàn thể các cán bộ, hội viên phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh và các đoàn viên, thanh niên… mua ủng hộ nông sản nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn. Nhiều điểm bán nông sản từ vùng dịch ở các địa phương cũng được thành lập. Ngoài việc bán hàng trực tiếp, các tình nguyện viên còn sẵn sàng giao hàng tận nơi khi khách hàng có yêu cầu…

Điểm “giải cứu” bí đỏ, hành tím tại xã Cuôr Đăng.
Điểm “giải cứu” bí đỏ, hành tím tại xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).

Ở trên các trang mạng xã hội Facebook và Zalo, các tổ chức chính trị xã hội đã cùng nhau kết nối, kêu gọi "giải cứu" nông sản cho người dân huyện Ea Kar và tỉnh Sóc Trăng. Với tinh thần tương thân tương ái và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam, ngay sau khi các thông tin đăng tải đã nhận được sự ủng hộ tích cực của người dân trên địa bàn huyện, qua đó đã giúp tiêu thụ được một lượng nông sản không hề nhỏ cho bà con nông dân.

Chị Lê Thị Hoa, cán bộ Hội Nông dân huyện Cư M’gar cho biết: “Quá trình triển khai, người dân trên địa bàn huyện hưởng ứng nhiệt tình. Cụ thể, chỉ sau hai ngày phát động các cán bộ, công chức, viên chức, hội viên phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên và nhân dân… trong huyện "giải cứu" được gần 5.450 kg nông sản, trong đó có 1.796 kg hành tím và hơn 3.650 kg bí đỏ, với tổng trị giá gần 50 triệu đồng... Sau khi nhận được nông sản rồi, họ lại tiếp tục đăng ký mua tiếp, có hộ đã đăng ký mua thêm cả tạ bí đỏ...".

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.