Ẩn họa từ việc thả diều vướng vào đường điện
Thả diều là thú chơi phổ biến không chỉ của trẻ em mà cả người lớn, nhất là vào dịp hè. Thế nhưng, nhiều người thả diều gần đường điện, trạm biến áp gây tiềm ẩn những mối nguy hiểm khó lường.
Việc người dân chơi thả diều gần khu vực có trạm biến áp và đường dây đi qua ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận hành an toàn của lưới điện, do khi diều bị mắc vào đường dây hoặc thiết bị trạm biến áp sẽ gây sự cố và làm ngừng cung cấp điện (chạm chập dẫn đến cháy nổ làm hư hỏng thiết bị điện), gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Mặt khác, khi diều đã bị mắc vào đường dây điện, nếu người chơi diều không có kinh nghiệm xử lý, cố tình áp sát đường dây điện, trèo lên cột điện hoặc dùng các thanh kim loại để gỡ diều thì rất dễ bị điện giật, dẫn đến bị bỏng nặng, chấn thương, thậm chí tử vong.
Theo khuyến cáo của ngành điện, trong trường hợp diều vướng vào đường dây, người dân tuyệt đối không được trèo lên cột điện, dùng sào gỡ mà cần báo cho đơn vị quản lý vận hành lưới điện để có biện pháp tháo gỡ bằng thiết bị chuyên dụng nhằm tránh tai nạn điện xảy ra.
|
Để hạn chế tình trạng thả diều vướng vào đường dây, thời gian qua Công ty Điện lực Đắk Lắk đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, bố trí biển cảnh báo nguy hiểm tại các vị trí xung quanh lưới điện; tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đường dây để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và cảnh báo nguy hiểm. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, tuần tra nhắc nhở, vận động người dân bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều trường hợp người dân thả diều vướng vào dây điện dẫn đến những sự cố đáng tiếc.
Đơn cử như ngày 17-2-2021, tại vị trí cột 131A/16 đường dây 22kV lộ 474T2KBU tại buôn Weo (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng), trẻ em thả diều vướng vào dây điện gây sự cố làm mất điện, khiến cho 12.807 khách hàng bị ảnh hưởng. Trường hợp khác là ngày 28-5-2021, diều bay vào đường dây tại trụ 30/4(ĐD472F15) đi qua địa bàn buôn Đranh (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) làm 5.924 khách hàng mất điện trong vòng 16 phút. Trong năm 2020 và từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã phát hiện 12 vụ sự cố liên quan đến diều mắc vào đường dây điện. Những trường hợp này khi phát hiện thì thường không còn có ai tại hiện trường. Điện lực đã tiến hành cắt điện để tháo gỡ diều bị mắc vào đường dây.
Trẻ em tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin thả diều gần đường điện đi qua địa bàn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Ảnh. V.Tiếp |
Theo Nghị định 14/2014/NĐ-CP và điểm d khoản 1 Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thì việc thả diều hoặc bất kỳ vật gì gây sự cố lưới điện là hành vi bị nghiêm cấm và bị xử phạt từ 1 – 5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc xử phạt gặp rất nhiều khó khăn do diều bị đứt dây vô tình mắc lên đường dây điện gây sự cố, khó xác định được diều do ai thả; người dân không nhận diều của mình khi gây ra sự cố, trong khi cũng chưa có quy định diều phải đăng ký xác nhận chủ sở hữu. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ, phối hợp của chính quyền địa phương trong việc xử phạt còn hạn chế, nhiều trường hợp diều bay vướng vào đường dây điện đang vận hành gây ra chạm, chập điện, cháy nổ nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt, cứng rắn dẫn đến hiện tượng "nhờn luật".
Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk, ngoài việc tuyên truyền, nhắc nhở, treo các biển báo cấm thả diều tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sự cố của ngành điện thì chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc ngăn chặn người dân chơi thả diều gần đường dây điện mà có nguy cơ xảy ra sự cố. Đồng thời, khoanh vùng khu vực cấm thả diều đối với những nơi có đường dây đi qua và thông báo cho người dân được biết.
Minh Chi