Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc và bảo vệ trẻ em theo luật tục Êđê

15:22, 24/06/2021

Người Êđê cho rằng, trẻ em là linh hồn của ông bà tổ tiên đầu thai qua hình hài một đứa trẻ. Vì vậy, trẻ em cần được yêu thương và tôn trọng, bất luận đó là trẻ em nam hay nữ.

Theo quy định, cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc và giáo dục những đứa con do mình sinh ra, kể cả những đứa con nuôi.

Luật tục quy định rằng “Trẻ phải bảo bằng lời, nói bằng miệng… đừng đánh trẻ bằng roi, đừng dạy trẻ bằng đòn. Thân đau, hồn lạc, xác bệnh”. Nếu cha mẹ hoặc người bảo hộ bỏ bê con trẻ khiến chúng “như trâu điên mùa nắng” thì cha mẹ hoặc người bảo hộ chúng phải nhận lấy trách nhiệm. Trong trường hợp trẻ bị bạo hành, ngược đãi thì người cha, người mẹ sẽ bị tước quyền nuôi chúng, kể cả con nuôi.

 

Các bạn nhỏ quây quần nghe bà đọc truyện.    Ảnh: Hữu Hùng
Các bạn nhỏ quây quần nghe bà đọc truyện. Ảnh: Hữu Hùng

 

Thực tế cho thấy, con nuôi không chỉ được cha, mẹ nuôi yêu thương, chăm sóc đặc biệt, nếu đứa trẻ là bé gái thì bé còn được thừa kế tài sản mà ông bà, bố mẹ để lại. Ai tiết lộ thân phận con nuôi đều bị xử phạt vì đã tiết lộ bí mật đời tư của trẻ.

Luật tục Êđê quy định: Ngoài tội phản bội cộng đồng, tội làm chết người, tội đào mồ mả, tội hiếp dâm… thì tội làm tổn hại đến tính mạng và tinh thần của trẻ em đều xem là trọng tội, kể cả người đó là cha, mẹ của đứa trẻ.  Ý thức bảo vệ trẻ em và tôn trọng sự phát triển của trẻ em được người Êđê chú ý từ khi đứa trẻ ấy còn nằm trong bụng, người Êđê lập luận rằng: “Biết đâu đứa bé sinh ra, khi lớn lên là con gái lại trở thành một người chữa bệnh; nếu là con trai lại có thể trở thành một tay khiên tài, đao giỏi…, trở thành tù trưởng nhà giàu’’.

Việc bạo hành trẻ em và phụ nữ bị nghiêm cấm. Thông thường khi một đứa trẻ bị xâm hại, người xâm hại bị lên án, bị đưa ra xét xử và chịu trách nhiệm bằng việc bồi thường cho sự tổn thương của đứa trẻ cả thể xác lẫn tinh thần. Ngoài ra, kẻ vi phạm phải xin tạ lỗi bằng nghi lễ hiến sinh và thực hiện lời cam kết của mình trước gia đình bị hại và cộng đồng; sau đó phải bồi thường bằng heo, trâu, bò hoặc bằng đất đai (nếu mức độ xâm hại nặng nề). Nếu hệ lụy ở đứa trẻ kéo dài đến trưởng thành, đối tượng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm mãi về sau.

Bên cạnh bảo vệ và chăm sóc trẻ em, việc giáo dục kỹ năng sống và sự hiểu biết của trẻ em được chú trọng. Do cư trú gắn bó với thiên nhiên, hệ động thực vật đa dạng và khí hậu tương đối khắc nghiệt, ngay từ khi trẻ còn nhỏ, người lớn luôn tạo điều kiện cho trẻ thích ứng với môi trường tự nhiên, đồng thời hình thành và phát triển các kỹ năng sống cơ bản. Để chuẩn bị cho trẻ các kiến thức và kỹ năng cần thiết, việc phân chia các công việc theo giới tính cho trẻ em được chú ý khoảng sau 7 tuổi. Ông bà, bố mẹ và các thành viên trong gia đình, dòng tộc có nhiệm vụ chăm sóc, dạy bảo và định hướng kỹ năng sống cho con cháu. Thành viên nam trong gia đình, dòng tộc có trách nhiệm giúp bé làm quen với các công việc nương rẫy, vót nan, đan lát, tạc tượng, đánh chiêng…

Còn các bà, các mẹ dạy bé gái các công việc kéo chỉ, dệt thổ cẩm, hoặc các công việc nội trợ, gùi nước hoặc tham gia lễ hội. Sự phân công ấy không chỉ biểu hiện rõ vai trò, chức năng giới trong việc giáo dục con cái theo quy định của xã hội Êđê, mà còn là các hình thức rèn luyện kỹ năng sống cho con trẻ trong nhiều môi trường, đồng thời giúp trẻ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm và phát triển nhận thức, cảm xúc và tình cảm trong quan hệ xã hội.

Có thể nói, việc chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã được người Êđê chú ý rất sớm. Sự hiểu biết (kiến thức) và kỹ năng thực hành xã hội của trẻ em luôn được gia đình, cộng đồng rèn luyện, hướng dẫn, giáo dục từ khi trẻ bắt đầu có những nhu cầu muốn khẳng định mình qua những hoạt động thường ngày.

Tuyết Nhung Buôn Krông

 

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.