Multimedia Đọc Báo in

Cùng "xây nhà" và xây "tổ ấm"

08:09, 28/06/2021

Ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình chị H’loc Mlô ở buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) có ba thế hệ cùng sinh sống luôn đầm ấm, vui vẻ tiếng cười đùa.

Tranh thủ lúc ba, mẹ chuẩn bị trà nước, cháu Y Đăng Mlô (SN 2012) con trai thứ hai của chị H’loc đưa chúng tôi đi xem “di sản” của gia đình. Đó là những tấm hình về buôn Alê A thuở sơ khai, các hoạt động sinh hoạt hằng ngày của đồng bào Êđê được treo trang trọng trong gian nhà sàn cùng nhiều vật dụng truyền thống như: bếp lửa, bầu hô lô, nồi đồng... Điểm nhấn của căn nhà là 2 bộ cồng chiêng, trống Hgơr.

 

Cháu  Y Đăng Mlô  háo hức tìm hiểu về  cồng chiêng.
Cháu Y Đăng Mlô háo hức tìm hiểu về cồng chiêng.

 

Như một hướng dẫn viên nhí, cháu Y Đăng đưa chỉ tay về phía trống Hgơr được đặt cố định trên ghế Kpan và chia sẻ rằng: Muốn đưa trống ra khỏi nhà phải làm một lễ cúng nhỏ để xin phép rồi mới được mang ra. Ngoài sử dụng cho tấu chiêng thì trống Hgơr còn được sử dụng để báo tin khi gia đình có người qua đời. Dẫu rất tò mò nhưng anh em cháu chưa bao giờ dám gõ nhẹ lên mặt trống Hgơr.

Vợ chồng anh Y Chi Lu Niê Ksơr và chị H’Loc Mlô là một trong 20 gia đình tiêu biểu của tỉnh được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tặng Giấy khen nhân dịp Kỷ niệm 20 năm Ngày Gia đình Việt Nam.

Y Đăng cho biết thêm, những ngày cuối tuần hay vào dịp nghỉ hè, bố mẹ thường thay phiên nhau dạy cho hai anh, em cách đánh cồng chiêng, kể những câu chuyện về văn hóa truyền thống của dân tộc. Qua những câu chuyện kể của bà, của bố mẹ, kiến thức về văn hóa, về bản sắc truyền thống dần hình thành trong cách nghĩ, nếp sống của hai anh em. Các thành viên trong gia đình thống nhất trò chuyện với nhau bằng tiếng Êđê. “Nhiều câu, từ ngữ Êđê cháu không hiểu, nhưng được bố mẹ và bà giải thích, lấy ví dụ cụ thể, trực quan, sinh động, nên dần dà yêu thích, chuyên tâm học tiếng mẹ đẻ ngay trong nhà mình”, cháu Y Khoa Mlô (SN 2009) trò chuyện.

Chị H’Loc là giáo viên tiếng Anh Trường THPT Cư M’gar (huyện Cư M’gar), còn chồng là anh Y Chi Lu Niê Ksơr công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) thường xuyên phải vắng nhà, mọi công việc trong nhà đều trông cậy vào chị H’Loc. Vì vậy, mỗi khi rảnh rỗi, anh dành trọn thời gian để chia sẻ cùng vợ công việc nhà, chăm sóc, dạy dỗ các con.  Anh Y Chi Lu trải lòng: Vào những ngày Tết, ngày lễ các gia đình sum vầy, vui vẻ bên nhau, còn mình do đặc thù công việc nên thường xuyên bám sát địa bàn cùng đồng đội làm nhiệm vụ. Hiểu, chia sẻ công việc của chồng nên vợ tôi thường động viên để tôi yên tâm công tác tốt". Còn theo chị H’Loc Mlô, để xây dựng được gia đình hạnh phúc, yên ấm không nhất thiết phải ở bên nhau cả ngày, chỉ cần từng thành viên trong gia đình dành cho nhau sự quan tâm, sẻ chia ấm áp, ý thức được trách nhiệm của mình cùng xây tổ ấm. Gia đình mình hạnh phúc rồi thì mới có thể vận động bà con trong buôn thực hiện các tiêu chuẩn của gia đình văn hóa, cùng nhau xây dựng buôn xanh - sạch - đẹp, bình yên...

 

Gia đình chị H’Loc Mlô ở buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).
Gia đình chị H’Loc Mlô ở buôn Alê A (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột).

 

Không chỉ nuôi dạy con chăm ngoan, học tốt; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ nơi công tác, vợ chồng chị H’Loc Mlô đã có những đóng góp để xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp, văn hóa. Từ khi sưu tập đủ bộ cồng chiêng cách đây 2 năm, vợ chồng chị H’Loc mạnh dạn đề xuất với Ban tự quản buôn mời nghệ nhân về mở lớp cồng chiêng miễn phí cho các cháu trong buôn. “Đã mời được nghệ nhân, lên kế hoạch khai giảng, thông báo cho các gia đình có con em thích đánh cồng chiêng đến học, nhưng vì dịch bệnh COVID-19 phải tạm gác lại. Khi dịch bệnh được đẩy lùi, chúng tôi sẽ dạy trẻ em trong buôn đánh cồng chiêng nhằm bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của cha ông”, chị H’Loc cho biết.

Hoàng Ân

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.