Đuối nước ở trẻ em: Bao giờ mới hết "giá như"…
Liên tiếp những vụ tai nạn đuối nước trẻ em xảy ra trên địa bàn khiến nhiều người giật mình, xót xa. Đáng nói hơn, có trường hợp chính những ao, hồ chứa nước được người dân đào trong rẫy, ngoài ruộng để tưới tiêu lại vô tình trở thành “hố tử thần” cướp đi mạng sống của các em.
Chị H’Bren Êban (buôn Ea Mấp, thị trấn Ea Pốk) thẫn thờ kể lại, sáng 9-6, con trai út của chị là Y Ng. Êban (10 tuổi) theo bố ra ruộng. Mọi ngày, chị vẫn đi cùng để vừa làm vừa trông con. Biết tính con hiếu động, bình thường chị không rời con nửa bước, nhưng hôm đó chị phải ở nhà giải quyết một số công việc. Do mải chơi nên cháu bị trượt chân ngã xuống hồ nước gần đó của một hộ dân đào để tưới tiêu. Phát hiện sự việc, chồng chị lao xuống cứu con nhưng đã muộn. Chị đã vĩnh viễn mất đi đứa con trai.
Mất trong vụ đuối nước ấy còn có cả Y C. Êban (12 tuổi), con của anh Y Dro Niê, cũng ở buôn Ea Mấp. Anh Y Dro Niê vẫn bị ám ảnh, day dứt mãi về buổi sáng hôm ấy. Cái hồ nước nơi con anh gặp nạn chỉ cách khu vực anh làm việc tầm 300 mét. Được biết, hai mùa hè gần đây, Y C. Êban đã biết theo cha lên rẫy, đi làm ruộng để phụ giúp một vài công việc nhẹ nhàng. Hôm đó, trời nắng nóng, em nghỉ tay đi dạo chơi. Khu vực em gặp nạn là cái hồ nước mới đào, người dân làm rẫy xung quanh chưa kịp biết đến, lại không được rào chắn cẩn thận. Anh Y Dro Niê đau buồn bày tỏ: giá như anh không chủ quan, để ý con cẩn thận hơn thì vụ tai nạn đau lòng đã không xảy ra.
Trước đó không lâu, vào chiều 29-5, em L.Q.N. (SN 2007) và L.Q.H. (SN 2008) theo mẹ là chị N.T.Đ. (trú thôn 1, xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar) cùng 3 bạn khác rủ nhau đến hồ đập Ea Blông (buôn M’Nút, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) để chơi. Trong lúc vui đùa, tắm ở đập, cháu N. và H. bị đuối nước thương tâm. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày, mọi người mới vớt được thi thể hai cháu lên bờ.
Đại diện Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh thăm hỏi, hỗ trợ gia đình có trẻ đuối nước tại xã Cư Dliê M'nông, huyện Cư M'gar. |
Năm nào cũng vậy, cứ mùa hè đến là trên địa bàn tỉnh lại liên tiếp xảy ra tình trạng trẻ em đuối nước. Hầu hết các vụ tai nạn đều xuất phát từ việc trẻ em đến gần các khu vực ao, hồ, đập, sông, suối mà không có sự quản lý của người lớn. Bên cạnh đó, do đời sống khó khăn, cha mẹ phải lên rẫy mưu sinh, có khi để con ở nhà một mình hoặc phải mang con theo cùng lên rẫy. Bố mẹ chủ quan, con lại thoải mái rong chơi mà không có ai quản lý nên những mất mát đau lòng lại xảy ra.
Những vụ việc vừa qua là hồi chuông cảnh báo về sự bất cẩn của các bậc làm cha mẹ trong việc quản lý con em mình trong mùa hè, nhưng cũng có cả nguyên nhân do thiếu kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Theo PGS.TS. Bác sĩ Bùi Quốc Thắng, nguyên Phó Trưởng Bộ môn Hồi sức cấp cứu, giảng viên Bộ môn Nhi (Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh), người dân có con em nhỏ cần quản lý, giám sát chặt chẽ, không để trẻ lại gần hoặc tắm biển, sông, suối, ao, hồ khi không có người lớn giám sát. Giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng đuối nước ở trẻ em là cho trẻ đi học bơi sớm nhất có thể.
Đặc biệt, cả trẻ em và người lớn cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để xử lý lúc gặp nguy hiểm. Nếu chẳng may tai nạn xảy ra, việc sơ cứu tại hiện trường là hết sức quan trọng. Chúng ta cần loại bỏ những quan niệm sai lầm khi sơ cứu trẻ bị ngạt nước như: không nên dốc ngược trẻ để xốc nước vì sẽ mất thời gian quý báu để hồi sức trẻ, không nên hơ lửa vì có thể gây giãn mạch, hạ huyết áp khiến trẻ có nguy cơ tử vong nhanh hơn.
Thay vào đó, nạn nhân cần phải được hà hơi thổi ngạt ngay lập tức và ấn tim (trong trường hợp trẻ bị ngưng tim). Sau đó, nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được tiếp tục xử trí kịp thời.
Đỗ Lan