Multimedia Đọc Báo in

"Giữ lửa" cho mỗi gia đình

11:59, 24/06/2021
Hai tiếng gia đình quá đỗi thân thương với tất cả mọi người, mọi thế hệ, lứa tuổi và chắc chắn rằng dù xưa, nay, hay ngày mai chăng nữa, thì nó vẫn mãi thiêng liêng trong mỗi người.

Nông thôn những năm về trước, gia đình thường gợi đến cho con người những cảm xúc khó tả. Đó là nơi lưu giữ gốc gác, cội nguồn mỗi người; nơi có ông bà, tổ tiên, cha mẹ, anh chị em chung sống thuận hòa, êm ấm dưới mái nhà tranh nhỏ dẫu bạc màu nắng mưa. Gia đình - nơi bắt đầu những buổi sáng mờ sương, bố dắt trâu ra đồng cày cấy; mẹ tỉ mỉ dọn cỏ, trồng rau củ trong vườn. Đó là nơi có làn khói cay xè mắt “đầu bếp” con mỗi lần đun nấu cám heo, hay những bữa cơm chín cơm khê...

Gia đình ngày nay, nhất là ở phố thị tấp nập đã có ít nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hai tiếng thân thương ấy vẫn luôn mang giá trị cao quý, được nâng niu giữ gìn. Trong ngôi nhà dù khang trang rộng rãi hay đơn sơ nhỏ bé, niềm hạnh phúc vẫn ngập tràn khi bố hào hứng đón con trở về sau mỗi chiều tan trường, mẹ khéo léo thu xếp mọi bộn bề để chuẩn bị cơm tối, tất cả mọi thành viên gia đình cùng vui vẻ, tự giác chia sẻ việc nhà. Công việc nhà không nhọc nhằn, tất cả cùng chung tay tạo sự gắn kết, sẻ chia, giúp gia đình luôn giữ được không khí ấm áp.

Xưa hay nay, nông thôn hay thành thị, gia đình đều được giữ lửa ấm bằng những phong tục, tập quán, thói quen mỗi người, mỗi nhà. Có lẽ vì vậy mà nơi trở về ấy thường bình yên và dịu dàng sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Nơi mà nếu có âu lo cũng dễ dàng trút bỏ tâm tư, muộn phiền bởi có người luôn sẵn sàng lắng nghe, sẻ chia và xoa dịu bằng tình cảm chân thành.

Hạnh phúc của một gia đình quân nhân.
Hạnh phúc của một gia đình quân nhân.

Hai tiếng gia đình cứ thế được hun đúc qua năm tháng, bằng những điều nhỏ bé, giản dị từ chính các thành viên trong nhà. Đôi khi chỉ là một cái ôm, cái nắm tay, lời an ủi; thậm chí là những la rầy, hay giận yêu nhưng rất cần thiết để gia đình thực sự là trái tim của mỗi người.

Bởi gốc gác, kết tinh từ những điều giản đơn nhưng bền chặt ấy, nên gia đình luôn khắc sâu trong tâm khảm mỗi người. Dù đi đâu về đâu, mai sau có thành đạt, giàu sang, hay tha hương lập nghiệp, người ta hiếm khi quên đi "chiếc nôi" gia đình. Mỗi kỷ niệm như chạm vào tim, để rồi rung lên những nhịp đập cảm xúc khó tả. Dù cho ký ức ấy có vất vả, nhọc nhằn bao nhiêu thì đọng lại sau đó vẫn là những tình cảm, yêu thương của mỗi người dành cho nhau.

Xã hội hiện đại, kéo theo nhịp sống hối hả khiến những chuẩn mực, giá trị của gia đình có phần ảnh hưởng. Không khó để nhận thấy đằng sau những căn bếp ít đỏ lửa, sau căn nhà kín cổng cao tường, đầy đủ tiện nghi là mối quan hệ bố mẹ và con cái có phần bớt gắn bó. Bố mẹ quá bận rộn với công việc mưu sinh, nên ít khi chuyện trò, tâm sự cùng nhau, cùng con cái trong nhà. Bữa cơm nhà thưa dần, nhạt dần vì việc hội tụ đủ đầy thành viên thật khó. Đó là chưa kể, ngay cả khi có đủ thành viên gia đình, mỗi người ôm một chiếc điện thoại, máy tính riêng khiến những lời hỏi han, chia sẻ thưa bớt. Điều đó khiến có những người cảm thấy cô đơn trong chính ngôi nhà của mình... 

Ngày Gia đình Việt Nam là dịp đánh thức mỗi người trong cả suy ngẫm và hành động để xây dựng tổ ấm thực sự tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Hãy "góp lửa" để sưởi ấm căn nhà bằng những việc làm giản đơn, bé nhỏ, bởi suy cho cùng “tổ ấm gia đình không gì sánh được”. Nơi ấy nuôi dưỡng gốc gác, tâm hồn mỗi người, là điểm tựa cho mọi thành viên vững vàng trước buồn vui, giông bão cuộc sống.

Bảo Minh

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.