Multimedia Đọc Báo in

Mái ấm cho phụ nữ nghèo

08:11, 28/06/2021

Thời gian qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị xã Buôn Hồ đã kêu gọi sự đóng góp, ủng hộ của cán bộ, hội viên, các cấp, ngành và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để xây dựng nhiều căn nhà Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo khó khăn về nhà ở, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.

Dọn vào ở trong căn nhà mới đã hơn 1 tháng nay, nhưng chị H’Rưng M’lô (buôn Tring 3, phường An Lạc) vẫn chưa nguôi niềm vui. Bao nhiêu năm qua, gia đình chị sống trong căn nhà cũ nát không chắn nổi mưa gió, trong khi đó, vợ chồng chị sức khỏe yếu, vừa đi làm thuê vừa làm 2 sào đất rẫy trồng cà phê cũng chỉ đủ lo cho sinh hoạt và hai đứa con nhỏ ăn học, mãi chẳng thể tích góp để xây dựng ngôi nhà mới. Khi được Hội LHPN phường hỗ trợ 35 triệu đồng, chị rất mừng, cố gắng vay mượn anh em họ hàng thêm 30 triệu đồng để xây dựng căn nhà vững chãi với tổng diện tích hơn 40 m2.

 

 Đại diện  các đơn vị  tham gia  lễ khởi công xây dựng nhà Mái ấm  tình thương  cho  gia đình chị H'Niêu Niê.
Đại diện các đơn vị tham gia lễ khởi công xây dựng nhà Mái ấm tình thương cho gia đình chị H'Niêu Niê.

 

Được biết, 35 triệu đồng hỗ trợ xây dựng nhà cho gia đình hội viên H’Rưng được Hội LHPN phường An Lạc vận động từ cán bộ, hội viên phụ nữ và các mạnh thường quân trên địa bàn. Dẫu biết rằng số tiền này không đủ để xây dựng căn nhà, nhưng đó sẽ là động lực giúp gia đình chị vay mượn thêm để thực hiện ước mơ bấy lâu nay cũng như có điều kiện “an cư lạc nghiệp”.

5 năm qua (giai đoạn 2015 - 2020), trên địa bàn thị xã đã có 588 hộ phụ nữ thoát nghèo, trong đó có 232 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo, đạt 326,6% chỉ tiêu.

Gia đình chị H’Niêu Niê (buôn Klia A, phường Đạt Hiếu) cuộc sống càng khó khăn hơn bởi bố mẹ mất sớm, hai vợ chồng không có đất rẫy nên phải đi làm thuê để nuôi 1 đứa con nhỏ, 5 người em và bà ngoại già yếu; ngôi nhà của bố mẹ để lại cũng đã xuống cấp nhưng không có điều kiện sửa chữa hay làm mới. Nắm bắt hoàn cảnh đó, Hội LHPN thị xã Buôn Hồ đã phối hợp với Cụm thi đua số 2 - Hội LHPN tỉnh và Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Đạt Hiếu hỗ trợ gia đình chị H’Niêu 60 triệu đồng để xây dựng căn nhà Mái ấm tình thương với tổng diện tích gần 50 m2. Với chị, đây là nguồn động viên lớn lao giúp gia đình vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và yên tâm phát triển kinh tế.

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, nhiều năm qua các cấp hội phụ nữ trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và tranh thủ sự ủng hộ từ các tổ chức, các nhà hảo tâm chung tay, sẻ chia, giúp đỡ người nghèo nói chung, phụ nữ nghèo nói riêng ổn định đời sống. Theo đó, đã có hàng chục hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà Mái ấm tình thương, trong vòng 10 năm trở lại đây có khoảng 30 hội viên được hỗ trợ như vậy.

Theo bà Nguyễn Phan Minh Tiết, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Buôn Hồ, với hội viên, phụ nữ nghèo, mỗi căn nhà là niềm hạnh phúc, có ý nghĩa lớn lao cả về vật chất lẫn tinh thần, động viên, khích lệ họ vươn lên, tích cực thi đua lao động sản xuất và tham gia các hoạt động hội. Ðồng thời, thông qua hoạt động xây dựng nhà Mái ấm tình thương góp phần khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái”, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ, hội viên. Ðặc biệt, đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia, qua đó khẳng định vai trò của tổ chức hội .

 

Chị H'Rưng M'lô phấn khởi trong ngày được bàn giao căn nhà mới
Chị H'Rưng M'lô phấn khởi trong ngày được bàn giao căn nhà mới

 

Bên cạnh đó, các cấp hội phụ nữ thị xã đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo; giúp đỡ hội viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với nhiều hình thức thiết thực như: hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế; chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi mô hình cây trồng vật nuôi; tặng bò, dê sinh sản; trao vốn khởi nghiệp… tạo thu nhập ổn định, điều kiện cho hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thúy Hồng

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.