Nỗi đau đuối nước của trẻ vùng sâu
Dù mùa hè mới bắt đầu chưa được bao lâu nhưng thời gian gần đây, trên địa bàn huyện Krông Bông liên tiếp xảy ra những vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em.
Ám ảnh những vụ đuối nước
Đã gần hai tuần trôi qua, nhưng người dân thôn Ea Bar (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) vẫn chưa hết ám ảnh bởi vụ đuối nước thương tâm xảy ra trên địa bàn. Vụ tai nạn đã khiến hai cháu bé trong cùng một gia đình thiệt mạng.
Đó là buổi chiều 24-5, gia đình anh Thào Văn Lìn và chị Lù Thị Xuyến đi gặt lúa ngoài đồng. Do không có ai trông coi nên anh chị phải dẫn theo hai con trai mới lên 4 và 5 tuổi theo cùng. Trong lúc mải làm việc, không để ý, hai cháu nhỏ đã rơi xuống mương và bị đuối nước dẫn đến tử vong.
Ông Sùng Minh Sơn, Trưởng thôn Ea Bar cho biết, gia đình anh Lìn và chị Xuyến có hoàn cảnh khó khăn và cũng chỉ mới có hai cháu nhỏ này nên tai nạn xảy ra đã để lại nỗi đau vô cùng to lớn cho họ và những người thân.
Theo thông tin từ chính quyền xã Cư Pui, trước vụ tai nạn của hai cháu bé trên một tuần, trên địa bàn xã cũng xảy ra một vụ đuối nước. Nạn nhân là cháu L.T.N.N. (SN 2012, học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Cư Pui II) trú thôn Ea Lang. Khi đang cùng các bạn chơi ở ao nước gần nhà, cháu N. không may ngã xuống ao, bị đuối nước và tử vong. Cháu N. là con của anh Lương Hồng Quân và chị Hà Thị Yến, gia đình thuộc diện hộ nghèo ở xã Cư Pui.
Các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mai táng hai cháu bị đuối nước cho gia đình anh Thào Văn Lìn và chị Lù Thị Xuyến ở thôn Ea Bar, xã Cư Pui. |
Thực tế cho thấy, những vụ đuối nước không chỉ xảy ra nhiều ở lứa tuổi nhi đồng mà các em ở tuổi thiếu niên cũng đối mặt với nguy hiểm này. Đơn cử như trường hợp em H.V.L. (SN 2006, trú thôn 4, xã Hoà Lễ). Vào ngày 28-4, khi đang đi chăn bò tại bờ hồ Hố Kè, em đã xuống tắm và không may hụt chân vào vùng nước sâu nguy hiểm nên bị đuối nước.
“Hiện nay toàn huyện chỉ có một hồ bơi tư nhân tại thị trấn Krông Kmar nên rất khó khăn trong việc dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.
Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông Đinh Trần Bích Nga
|
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết, kể từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra 4 vụ đuối nước làm chết 5 người, trong đó có 4 trẻ em và một người già.
Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông, tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ đuối nước ở trẻ em (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2020). Số trẻ em đuối nước tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng đa phần là do đi theo bố mẹ làm ruộng nương, không có người trông coi, đi tắm sông, suối... Do điều kiện kinh tế khó khăn nên các gia đình này thường vất vả kiếm kế sinh nhai nên không có thời gian quan tâm, để ý đến con cái, nhất là các cháu từ 3 - 10 tuổi đang trong thời gian nghỉ hè.
Để bảo đảm môi trường sống an toàn cho trẻ em
Trước tình trạng đuối nước gia tăng tại địa phương, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện Krông Bông đã thực hiện nhiều giải pháp để cùng chung tay phòng, chống. Đối với xã Cư Pui, địa phương đã chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phòng tránh đuối nước trên địa bàn, đồng thời tiến hành cắm các biển cảnh báo ở những nơi có nguy cơ hoặc thường xuyên xảy ra đuối nước. Từ đầu mùa hè đến nay, xã đã cắm được 20 biển “Cảnh báo khu vực nước sâu nguy hiểm, đề phòng đuối nước”.
Bà Đinh Trần Bích Nga, Trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Krông Bông cho biết, vừa qua UBND huyện đã ban hành kế hoạch phòng chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em trong Tháng hành động vì trẻ em. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về công tác phòng, chống đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em, cắm biển báo tại những điểm có nguy cơ cao có thể xảy ra đuối nước. Tuy nhiên, để có thể hạn chế thấp nhất những tai nạn đuối nước xảy ra cho trẻ em, rất cần sự cảnh giác cao độ, sự theo dõi sát sao của các bậc phụ huynh, đặc biệt là trong những ngày hè.
Lực lượng chức năng cắm biển cảnh báo ở nơi có nguy cơ cao xảy ra đuối nước trên địa bàn xã Cư Pui. |
Ông Huỳnh Viết Trung, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông chia sẻ, thời gian qua, Phòng đã chỉ đạo các trường trên địa bàn huyện lồng ghép những nội dung, kiến thức về phòng, chống đuối nước trong giờ học, đồng thời hướng dẫn các em kỹ năng tránh xa nguy hiểm, nơi có nguy cơ xảy ra đuối nước. Bên cạnh đó, các trường đã chỉ đạo giáo viên phải kiểm soát giờ học, không cho học sinh nghỉ học giữa chừng và kịp thời báo với phụ huynh những trường hợp cần thiết. Các trường cũng đã thường xuyên tuyên truyền, khuyến cáo học sinh về việc không nên đi tắm tại các khu vực ao, hồ, sông, suối. Tuy nhiên, những vụ đuối nước xảy ra ngoài giờ học nên nhà trường, giáo viên rất khó kiểm soát. Đặc biệt vào dịp hè, các em thường theo cha mẹ lên nương rẫy hay đi làm đồng, nhưng nhiều phụ huynh lại thiếu sự kiểm soát nên các em phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm. Trong dịp hè, Phòng đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động, sinh hoạt hè nhằm tuyên truyền phòng, chống tai nạn đuối nước ở các trường học. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, công tác sinh hoạt hè có nhiều điểm hạn chế. Hơn nữa, trẻ nhỏ và học sinh ở lứa tuổi tiểu học khả năng hiểu biết thấp, chưa có nhiều kỹ năng phòng tránh nguy hiểm nên các bậc cha mẹ vẫn phải đóng vai trò chủ yếu trong việc hướng dẫn, kiểm soát các em.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng đuối nước ở trẻ em trong mùa hè và mang lại môi trường sống an toàn, lành mạnh cho các em, rất cần sự vào cuộc trách nhiệm, tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và sự chung tay của toàn xã hội, trong đó vai trò của gia đình, các bậc phụ huynh là vô cùng quan trọng.
Khả Lê