Nơi để trở về!
“Ngày nào cũng gọi điện là mẹ ơi con nhớ mẹ. Nhớ các em bé của mẹ. Hết dịch mẹ sẽ ôm các con là việc đầu tiên của mẹ”, đó là đôi dòng trạng thái trên trang Facebook cá nhân của người bạn tôi trong những ngày vừa qua.
Nhà neo người, vì cuộc sống mưu sinh, vợ chồng bạn phải gửi con về nhà ngoại. Dịch bệnh bùng phát và lây lan nhanh chóng, nhiều huyện, xã của tỉnh Bắc Ninh bị cách ly. Vợ, chồng, các con trong gia đình nhỏ của bạn bất ngờ mỗi người mỗi ngả.
Câu chuyện về gia đình người bạn tôi là tình cảnh của nhiều gia đình Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Không ít gia đình thiếu vắng thành viên vì có người là F0, F1 phải đi điều trị, cách ly; nhiều cán bộ, chiến sĩ, y bác sĩ tạm xa tổ ấm yêu thương để cùng đồng chí, đồng nghiệp xông pha nơi tuyến đầu chống dịch. Họ chỉ được nhìn nhau, nói chuyện với nhau cho vơi bớt lo lắng, nhớ thương qua những cuộc điện thoại. Nhiều em bé òa khóc đòi mẹ khi nhìn thấy mẹ, nghe tiếng mẹ qua điện thoại. Những lời căn dặn, động viên, những lời nhắn nhủ và hẹn khi nào về sẽ nấu món ăn này, sửa vật dụng kia… là động lực to lớn, liều thuốc tinh thần giúp các bệnh nhân COVID-19 mau khỏi bệnh, các chiến sĩ áo trắng vững lòng hơn trên trận tuyến, để sớm đẩy lùi dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về nhịp sinh hoạt thường nhật, mọi người được đoàn tụ bên gia đình.
Với những gia đình được đủ đầy thành viên, sum tụ trong mùa dịch, cuộc sống dường như chậm lại và ở một góc nhìn nào đó mỗi người có thời gian lắng lại để gắn kết, yêu thương nhau hơn. Những ngày phòng chống dịch, thực hiện giãn cách xã hội, các con các cháu nghỉ học, quấn quýt nghe ông bà kể chuyện ngày xưa; bố và con trai say mê với những ván cờ; các bà các mẹ dành nhiều thời gian làm các món ăn ngon theo sở thích của các thành viên trong gia đình… Mâm cơm ngày dịch giản dị, ấm áp với nồi canh rau hái ngoài vườn, cá câu dưới ao, bát cà muối. Mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn giá trị hạnh phúc gia đình từ chính những sinh hoạt mộc mạc, những điều rất đỗi bình thường, đơn giản ấy; thấu hiểu hơn về cách hiếu nghĩa, lễ phép, nhường nhịn, sẻ chia từ chính sự quan tâm, chăm sóc giữa mọi người trong gia đình mà nhịp sống hiện đại thực tế đã làm thưa vắng đi nhiều.
Xa cách để trân quý hơn ý nghĩa của sum vầy; đoàn tụ để thấm thía hơn sự trống trải, nhớ thương khi phải xa cách. Giá trị và sự thiêng liêng của hai tiếng gia đình không thể đong đếm bằng sức nặng của tiền bạc mà bởi chính tấm lòng, tình cảm yêu thương. Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc mỗi ngày, hạnh phúc sau những cuộc hành trình, hạnh phúc của đời người dâu bể là có nơi để được trở về!
Bắc Hà