Từ mũ bảo hiểm đến khẩu trang Rồi sẽ quen dần!
Gần 14 năm trước, ngày 29-6-2007, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông. Trong đó quy định, kể từ ngày 15-12-2007, người tham gia giao thông khi ngồi trên xe máy đều bắt buộc phải đội MBH.
Trước khi quy định có hiệu lực và kể cả thời gian đầu thực thi đã gặp nhiều ý kiến trái chiều, người đồng tình cũng nhiều, nhưng người phản đối cũng không ít. Phải mất một thời gian khá dài, việc đội MBH mới dần đi vào nền nếp, một phần nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó bao gồm cả chế tài xử phạt, nhưng phần quan trọng hơn đó là nhờ sự thay đổi về nhận thức của tất cả mọi người. Với việc hình thành thói quen, đến nay số đông người tham gia giao thông trên phạm vi cả nước đều chấp hành tốt việc đội MBH khi ngồi trên xe máy. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, đến nay tỷ lệ người dân chấp hành đội MBH khi ngồi trên xe máy đạt trên 90%.
Người dân thực hiện việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe gắn máy. |
Còn về việc đeo khẩu trang trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới cũng là chuyện đáng bàn, vấn đề cốt lõi vẫn xuất phát từ ý thức của mọi công dân. Tại nước ta, Bộ Y tế luôn khuyến khích người dân thực hiện theo thông điệp 5K (khẩu trang – khử khuẩn – khoảng cách – không tụ tập – khai báo y tế). Đây được xem là “lá chắn thép” đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó việc đeo khẩu trang đúng cách được đặt lên hàng đầu. Mới đây, trong cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã nhấn mạnh việc đeo khẩu trang là “giải pháp đơn giản nhất, dễ nhận biết ai tuân thủ hay không, cũng là hiệu quả nhất... Và nếu tuân thủ tốt, nhất định chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát được dịch, sẽ chiến thắng”.
Nghị định 117/2020/NĐ-CP, ngày 28-9-2020 đã tăng mạnh mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch và có hiệu lực từ ngày 15-11-2020. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 12, Nghị định 117 quy định: phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Người dân thực hiện việc đeo khẩu trang khi đến nơi đông người. |
Lợi ích thiết thực khi đeo khẩu trang để bảo vệ mình và mọi người trong đại dịch là rõ ràng, biện pháp mạnh cũng đã được thực hiện ở hầu hết các tỉnh thành trên phạm vi cả nước. Song, đâu đó vẫn có những người không thực hiện việc đeo khẩu trang để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh. Đơn cử, cuối tháng 5 vừa qua, một người phụ nữ ở TP. Hồ Chí Minh vào cửa hàng tiện lợi mua sắm, nhưng không thực hiện đeo khẩu trang. Khi bị nhân viên cửa hàng nhắc nhở thì người phụ nữ này chửi bới, sau đó lực lượng chức năng địa phương phải đến lập biên bản xử lý vi phạm. Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp cố tình không thực hiện việc đeo khẩu trang để phòng dịch COVID-19. Qua đây có thể thấy, ngoài số đông người dân thực hiện việc đeo khẩu trang, thậm chí với những em bé chỉ từ mấy tháng tuổi cũng được bố mẹ trang bị cho những chiếc khẩu trang phù hợp khi đến nơi đông người thì vẫn còn những cá nhân xem việc đeo khẩu trang là ép buộc.
Với tất cả chúng ta, để quen với cái mới trong cuộc sống không phải ngày một ngày hai mà đòi hỏi cả một quá trình. Do đó, để hình thành được thói quen, nếp sống mới – dù điều đó mang lại rất nhiều lợi ích đối với mọi người - đều không hề dễ dàng. Điều đó đòi hỏi yếu tố ý thức phải được đặt lên hàng đầu, cộng với hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần mới tạo thành thói quen. Chỉ có thế thì mọi quy định trong cuộc sống mới dễ dàng thực hiện, đơn giản như việc đội một chiếc MBH trên đầu khi tham gia giao thông bằng xe máy để bảo vệ chính mình trong trường hợp lỡ không may xảy ra TNGT, hay việc đeo khẩu trang khi ra đường, nơi công cộng để cùng cộng đồng chung tay phòng, chống dịch COVID-19.
Hoàng Tuyết